Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Nhà văn Tô Đồng đoạt giải thưởng văn học châu Á



Thứ tư, 18/11/2009 12:05
Tác giả tiểu thuyết của bộ phim "Đèn lồng đỏ treo cao" được vinh danh với tác phẩm mới "The Boat to Redemption".
Dù Ấn Độ có tới 3 trong số 5 nhà văn lọt vào chung khảoMan Asian 2009, chiến thắng cuối cùng đã thuộc về một đại diện Trung Quốc. Tác giả tiểu thuyết của bộ phim "Đèn lồng đỏ treo cao" được vinh danh với tác phẩm mới "The Boat to Redemption".

The Boat to Redemption (tạm dịch:Con thuyền đến bờ chuộc lỗi) lấy bối cảnh Đại Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Nhân vật chính trong tác phẩm là một người đàn ông đã tự thiến "của quý" của mình sau khi bị đày ải, sống bấp bênh cùng con trai trên một dòng sông. Ban giám khảo nhận định, cuốn tiểu thuyết của Tô Đồng "là câu chuyện về nhân vật chính lưu lạc, là ngụ ngôn chính trị, đồng thời cũng là ngụ ngôn về hành trình mỗi chúng ta phải trải qua trong đời. Đó là khoảng cách giữa con thuyền khát vọng của con người và mảnh đất cằn cỗi của những gì mà chúng ta giành được".

Nhận giải thưởng được coi là Man Booker của châu Á, nhà văn Tô Đồng phát biểu: "Tôi cảm thấy, đây là một giải thưởng khách quan, độc lập. Điều này rất có ý nghĩa với tôi. Bởi tôi là nhà văn không nổi tiếng vì các giải thưởng. Tôi nổi tiếng vì thường xuyên không nhận được giải thưởng thì đúng hơn".
Nhà văn Tô Đồng. Ảnh: Chinadaily.

Những tâm sự của Tô Đồng bộc lộ rõ ý vị chua chát. Ông vốn là một nhà văn ăn khách, được đông đảo độc giả yêu mến, nhưng rất hiếm khi lọt vào mắt xanh của những người chấm giải trong nước.

Năm nay 46 tuổi, nhà văn Tô Đồng nổi tiếng nhất với cuốn tiểu thuyết Thê thiếp thành quần xuất bản năm 1989, được đạo diện Trương Nghệ Mưu dựng thành bộ phim đề cử giải Oscar Đèn lồng đỏ treo cao.

Theo Reuters, phát biểu về cuốn tiểu thuyết vừa đoạt giải của mình, Tô Đồng nói: "Tôi không biết liệu The Boat to Redemption có giúp người nước ngoài hiểu thêm chút gì về Trung Quốc hay không. Cuốn sách tập trung vào số phận của những con người sinh ra trong một thời đại lố bịch. Một dân tộc cần dũng cảm đối diện với quá khứ của chính nó, dù cái quá khứ đó rực rỡ hay đáng hổ thẹn, tươi sáng hay xám xịt. Việc hiểu sai hay nhầm lẫn thường xuất phát từ sự che giấu hoặc lảng tránh".

Nhà phê bình Vương Cương - một người bạn của Tô Đồng - nhận xét: "Tô Đồng là người sinh ra để viết. The Boat to Redemption chứa đựng tất cả hình ảnh và biểu tượng quen thuộc của nhà văn: dòng sông, tuổi thơ, cái chết, thiến - những chuyện đều từng xuất hiện trong các tác phẩm trước đó của anh".

Bìa bản tiếng Anh của cuốn sách.

Năm 1987, Vương Cương là tác giả của bài viết Tô Đồng: căng buồm trên dòng sông hình ảnh. Đây là một trong những bài phê bình đầu tiên về sáng tác của nhà văn.

Đến nay, trong giới văn chương Trung Quốc, Tô Đồngđược đánh giá là một trong những nhà văn tiên phong, cùng với những tác giả như Dư Hoa, Mạc Ngôn, Cách Phi… Tác phẩm của họ xuất hiện vào khoảng những năm 1980, gây ấn tượng cho độc giả bởi những đột phá trong nghệ thuật trần thuật. Các nhà phê bình cho rằng, nhiều sáng tác của họ đáng được coi là những tiểu thuyết kinh điển của nền văn học Trung Quốc.

Nhà phê bình Vương Cương kể, năm 2007, Tô Đồng gọi điện cho ông, chia sẻ ý tưởng viết cuốn tiểu thuyết về một câu chuyện có thật. Vương Cương rất hào hứng. Nửa năm sau, nhà phê bình nhận được tin, nhà văn đã vứt bỏ hoàn toàn 100.000 chữ bản thảo đã viết được để bắt đầu viết lại.

Thời gian đó, Tô Đồng chia sẻ với báo giới rằng ông tự giam mình 3 tháng trong một căn hộ "yên tĩnh và biệt lập - nơi chỉ nghe duy nhất tiếng chim hót" ở Leipzig, Đức để viết.

Tháng 12/2008, Tô Đồng gửi bản in cuốn The Boat to Redemption cho Vương Cương. Nhà phê bình đọc ngấu nghiến hai chương đầu tiên. Rồi ông đọc chậm lại. "Tôi không muốn đánh mất hứng thú vì đọc quá nhanh. Tôi nhấm nháp nó như những đứa trẻ mút mát chiếc kẹo mút vậy",Vương Cương nói.

70.000 bản in đầu tiên của cuốn sách nhanh chóng được bán hết. NXB Văn học Nhân dân đã phải tái bản cuốn sách để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Sau giải thưởng này, The Boat to Redemption, được dự đoán sẽ còn trải qua nhiều lần tái bản nữa.

Giải thưởng Man Asian dành cho Tô Đồng trị giá 10.000 USD (hơn 180 triệu đồng). Ông là nhà văn Trung Quốc thứ hai trong số 3 tác giả từng được Man Asian vinh danh. Năm đầu tiên, giải được trao cho nhà văn Khương Nhung (Trung Quốc) vớiTôtem sói. Năm ngoái, vinh dự này thuộc về tác giả người Philippines Miguel SyjucoIlustrado.
với
Theo Evan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét