Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Thanh Tùng và Một Mình

THANH TÙNG VÀ MỘT MÌNH
11:51 22 thg 2 2010Bạn bè0 Lượt xem0

Thanh Tùng hài lòng với ‘Một mình’
"Tất cả mọi người đều có phút phải đối diện với nỗi cô đơn. Nhưng không có tác giả nào có thể đi nổi chặng đường một mình", nhạc sĩ Thanh Tùng tâm sự sau đêm đầu tiên của liveshow "Một mình", diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 2/5.
Ảnh đêm nhạc 

Mỹ Dung - Thanh Tùng thể hiện ca khúc "Hoa cúc vàng".
Sau hơn 10 năm vắng bóng kể từ liveshow Lối cũ ta về, nhạc sĩ Thanh Tùng đã trở lại với khán giả thủ đô trong ba đêm Một mình (2-4/5) với 20 bài hát. Bên cạnh những bài quen thuộc mà khán giả đã yêu thích bao năm nay: Lời tỏ tình của mùa xuân, Hát với chú ve con, Ngôi sao cô đơn, Chuyện tình của biển, Em và tôi, Giọt nắng bên thềm..., đây còn là dịp để nhạc sĩ trình làng hai ca khúc mới Chuyện cổ Nghi Tàm  Hoa cúc vàng. Hai ca khúc khiến khán giả sững sờ vì Thanh Tùng vẫn chứng tỏ khả năng “đẻ trứng vàng”. Họ còn ngạc nhiên về hơi thở của cuộc sống hiện đại đan xen quá khứ trong cái âm vang của tiếng đàn nhị, ngạc nhiên về tình yêu vẫn tha thiết nồng nàn ở một ông già tuổi 60, ngạc nhiên về giọng hát của chính Thanh Tùng vẫn rất ấm áp, đầy chất đắm say dù đã yếu đi nhiều và xen lẫn vô vàn xúc động.

Thanh Lam đằm thắm với "Em và tôi".
Liveshow còn là sự thử nghiệm những bài hát cũ của Thanh Tùng với những giọng ca mới. Ngoài hai diva nổi tiếng mà những bài hát Thanh Tùng đã góp phần làm nên tên tuổi: Thanh Lam (Em và tôi, Giọt nắng bên thềm), Hồng Nhung(Giọt sương trên mí mắt, Một mình) có sự xuất hiện của những cái tên rất mới: Lưu Hương Giang (Ngôi sao cô đơn),Phương Linh (Lời tỏ tình của mùa xuân), Phương Anh (Hoa tím ngoài sân)... ấn tượng nhất có lẽ là sự kết hợp của Thanh Tùng và Mỹ Dung khi hát Hoa cúc vàng. Theo lời thú nhận của chính nhạc sĩ, hai người mới chỉ tập cùng nhau lúc buổi chiều, trước buổi biểu diễn mấy giờ đồng hồ. Mọi người động viên ông cứ hát đại đi, và tác giả đã cố gắng hát dù bản thân rất run.

Hồng Nhung nhún nhảy sôi động trong "Giọt sương trên mí mắt".
Ca sĩ Tùng Dương, người thể hiện bài hát Chuyện cổ Nghi Tàm, chia sẻ với VnExpress: “Tôi rất vui khi được nghe lại những ca khúc lãng mạn trữ tình của nhạc sĩ Thanh Tùng. Đặc biệt trong liveshow lần này tôi đã thể hiện thành côngChuyện cổ Nghi Tàm, một ca khúc mới lạ theo kiểu hát xẩm, thẫm đẫm chất liệu dân gian”.

Tùng Dương "lên đồng" với "Chuyện cổ Nghi Tàm".
Thanh Tùng cũng tỏ ra đặc biệt hài lòng về giọng hát của Tùng Dương. Theo ông: “Tùng Dương hát xuất sắc và hát theo đúng ý tôi. Tôi đã tính trước được khán giả sẽ rất hài lòng với những gì tôi viết trong Chuyện cổ Nghi Tàm”. Khi được hỏi về việc một số ca sĩ đã hát sai ca từ trong những sáng tác rất nổi tiếng của ông, nhạc sĩ cười dễ dãi: “Ngay cả tôi bình thường cũng còn hay hát nhầm lời bài hát của mình”. Thanh Tùng tỏ ra đặc biệt cảm động vì sự ủng hộ của khán giả. “Về mặt chuyên môn còn có một số chỗ tôi chưa được ưng ý, nhưng về mặt tình cảm của khán giả thì quả thật đã rất hài lòng. Khán giả đã cổ vũ tôi rất nhiều”, ông bộc bạch.
Phạm Chuyên - bạn đồng hành của nhạc sĩ, người đã giúp ông chọn tên Một mình cho liveshow này - tâm sự: “Lý do để tôi luôn đồng hành với Thanh Tùng là tôi vừa thương vừa khâm phục Thanh Tùng, gà trống một mình nuôi ba người con. Tôi hài lòng vì liveshow này đã làm bạn tôi hài lòng”.
BàiNgọc Trâm
ẢnhHoàng Hà

La Hối với Xuân và tuổi trẻ

05:55 28 thg 2 2010


NHẠC SĨ LA HỐI

VÀI NÉT VỀ NHẠC SĨ TÀI HOA LA HỐI

Nhà báo Hoàng Hữu Quyết

Hầu hết bạn yêu nhạc đều biết ca khúc nổi tiếng Xuân & Tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối . Tuy nhiên, rất ít người biết ca từ của ca khúc này là của ai viết và nôm na thường gọi:  Xuân & Tuổi trẻ : của La Hối. Người nhạc sĩ tài hoa , bạc mệnh La Hối đã không còn nữa từ hơn sáu mươi năm về trước, nhưng  ca khúc tuyệt tác Xuân & Tuổi Trẻ của ông vẫn sống mãi trong lòng người yêu tân nhạc Việt Nam từ lúc tác phẩm này ra đời và đến tận hôm nay vào mỗi độ Xuân về.
Một trong những thú vui của ngày Xuân là nghe nhạc Xuân để thưởng thức âm thanh, hình ảnh và màu sắc của mùa Xuân đang trở về trên đất nước, qua tiếng nhạc lời ca của nhiều nhạc sĩ...Và phần nào thay thế tiếng pháo báo hiệu mùa xuân về.
 Thế nhưng, với tôi, giai điệu Valse tươi sáng, trẻ trung, đầy sức sống lạc quan của ca khúc Xuân & Tuổi Trẻ có sức truyền cảm rất mạnh mẽ lạ thường! . Những lúc nghe Xuân & Tuổi trẻ thấy lòng mình lại trào dâng về người nhạc sĩ xấu số, tài hoa La Hối bằng tất cả thương tiếc ngậm ngùi...

Ông sinh năm 1920, gốc người Quảng Đông, nhưng gia đình từ nhiều đời đã định cư tại Hội An, Quảng Nam. Từ bé, ông là một cậu học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn, xuất sắc trên các môn học và có  năng khiếu đặc biệt về môn âm nhạc. Năm 14 tuổi Ông đã bắt đầu sáng tác và thể hiện năng khiếu âm nhạc qua các giai điệu vui tươi, sôi nổi...Cũng với những thế hệ kế tiếp của ông là diễn viên kịch nổi tiếng La Thoại Tân( trước năm 1975), Ánh Tuyết, Lệ Quyên...

Những năm 1936 - 1938, ông vào Sài Gòn để hoàn chỉnh chương trình học văn hóa và trau dồi thêm nhạc cổ điển Tây phương.
Sau đó, ông lại trở về Hội An dạy đàn. Ông là người yêu âm nhạc ngay từ thuở thiếu thời nên lúc nào cũng ôm ấp hoài bão quy tụ những người cùng yêu âm nhạc lại thành một nhóm để cùng nhau nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm... Năm 1939, ông và một số nhạc sĩ thành lập Hội yêu âm nhạc (société philharmonique). Ông được tín nhiệm vào chức Hội Trưởng và cũng là người đầu tiên đưa hành khúc cách mạng Việt Nam vào các chương trình nhạc hòa tấu. Một số nhạc sĩ trẻ thời bấy giờ đã được ông hướng dẫn trong lãnh vực âm nhạc, như : Nhạc sĩ Dương Minh Ninh (Tác giả Gấm Vàng),Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (Tác giả Nắng Chiều 1 & 2), Lan Đài (Tác giả Chiều Tưởng Nhớ).

Trong giai đoạn Nhật chiếm Trung Hoa, Việt Nam và Đông Nam Á, phong trào kháng Nhật nổi lên mạnh mẽ trên cả ba miền đất nước , La Hối đã tham gia tổ chức chống Phát Xít bằng cả bầu nhiệt huyết của tuổi thanh niên. Ông là cấp lãnh đạo nòng cốt chống Phát Xít Nhật tại Hội An và vùng phụ cận. Những đêm cùng đồng đội thức trắng để in truyền đơn, viết biểu ngữ... những kế hoạch tập kích quân đội Nhật... những vụ nổ bom, phá đường, sập cầu... là những chiến công hào hùng hằn sâu trong ký ức người chiến sĩ chống Phát Xít. Nếu trong âm nhạc, ông say mê về các giai điệu, thì trong đấu tranh, ông lại say mê về các chiến công.
Cũng chính vì thế, Hiến Binh Nhật càng ráo riết truy lùng ông, cuối cùng tổ chức của ông bị bại lộ và vào một ngày u ám của tháng 5 năm 1945 ông đã bị bắt cùng với mười người yêu nước khác. Sau nhiều ngày bị giam cầm và bị tra tấn vô cùng dã man, mười một vị anh hùng đã bị Phát Xít Nhật xử bắn, vùi lấp chung một huyệt tại chân núi Phước Tường ,phía Tây Nam TP Đà Nẵng ( Nay đã được đưa về nghĩa trang chống Phát Xít Nhật ở Hội An ). Ông đã ra đi vĩnh viễn lúc tuổi đời chỉ mới hai mươi lăm. Ông sáng tác rất nhiều, nhưng chỉ để lại khoảng 20 tác phẩm.Một số lớn đã bị Hiến Binh Nhật tịch thu, một số khác do người tình của ông cất giữ. Những tác phẩm của ông đều xoay quanh đề tài tuổi Trẻ và học đường, trong đó Xuân & Tuổi Trẻ được soạn vào giai đoạn ông bị Hiến Binh Nhật theo dõi, hoàn cảnh sống phức tạp và vô cùng khó khăn,song cũng là tác phẩm gây niềm hứng khởi tin yêu cuộc đời hơn cả.
  
VÌ SAO NHẠC SĨ LA HỐI VIẾT NHẠC MÀ KHÔNG VIẾT CA TỪ?
Năm 1946, văn thi sĩ kiêm đạo diễn kịch Thế Lữ cùng nhóm nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung... trong đoàn Ca Vũ Nhạc Anh Vũ đến Hội An trình diễn, đã rất yêu thích giai điệu của bài Xuân & Tuổi Trẻ, lúc bấy giờ gọi theo tiếng Pháp là printemps & jeunesse và chưa có ca từ. Tìm hiểu cuộc đời về người nhạc sĩ tài hoa sớm hy sinh vì đại nghĩa dân tộc, Thế Lữ rất xúc động nên đã xin phép gia đình nhạc sĩ  La Hối được viết lời cho nhạc phẩm giá trị nầy. Sau đó, Nguyễn Xuân Khoát soạn hòa âm, Văn Chung soạn vũ điệu và khi trình diễn lần đầu tiên đã làm nức lòng người yêu nhạc tại phố  cổ Hội An thời bấy giờ.
Từ thời điểm đó, Xuân & Tuổi Trẻ là ca khúc mang tính trẻ trung, vui tươi, lành mạnh...... không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt Nam đang sinh sống trên mọi miền của tổ quốc và hải ngoại khi mỗi độ Xuân về.  
Trong những năm kháng chiến, Xuân & Tuổi Trẻ theo chân những người yêu nhạc vào các vùng chiến khu, vào tận miền Nam, ra tới Việt Bắc. Nhớ thương La Hối, nhạc sĩ La Xuân sáng tác bài Mộng Doãn Chánh (La Hối còn có tên La Doãn Chánh ), sau đó đổi thành Giấc mơ du tử, người Hội An còn gọi là Hội An ngày về.
Xuyên suốt hơn nửa thế kỷ, Xuân & Tuổi Trẻ của nhạc sĩ La Hối vẫn là một ca khúc trẻ trung, yêu đời, reo vui và dần dà đi sâu vào tâm tưởng người yêu nhạc.La Hối từ giã cuộc đời và sự nghiệp một cách đột ngột khi còn quá trẻ, nên những gì liên quan đến ông, chỉ còn lại rất ít.
 Theo Ông La Gia Quảng, cháu ruột của cố nhạc sĩ La Hối hịên sống tại Hội An cho biết:
Trong thời gian dạy nhạc, La Hối có yêu một cô giáo dạy dương cầm. Chuyện tình của họ thật đằm thắm và kín đáo nên ít người biết, ngay cả trong gia đình cũng không nhớ rõ tên của cô giáo ấy.Tất cả những sáng tác giá trị chưa được phổ biến, La Hối đều gởi tặng trước cho người mình yêu quý . Sau khi ông hy sinh, gia đình quá đau buồn, quên mất vai trò quản thủ tài liệu của cô giáo Dương Cầm. Và bây giờ, người tình của La Hối không biết đã lưu lạc về đâu?, còn sống hay đã mất!? .Nhân dịp Xuân về, nghe giai điệu Xuân & Tuổi trẻ tràn đầy sức sống, lạc quan... tôi trân trọng ghi lại vài dòng tưởng niệm người nhạc sĩ xấu số, tài hoa và chứa chan lòng yêu nước đã vĩnh viễn đi vào lòng người yêu nhạc. Người nhạc sĩ trẻ La Hối đã không còn nữa, nhưng Xuân & Tuổi Trẻ của ông  thì vẫn sống mãi với năm tháng và mãi mãi trong lòng người yêu nhạc Việt Nam hiện nay.

  
 XUÂN VÀ TUỔI TRẺ
                             
                               
  
    NHẠC: LA HỐI
  LỜI : THẾ LỮ
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới,
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng.

Ngày thắm tươi bên đời xuân mới,
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,
Ta muốn luôn luôn cười với hoa .

Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời,
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi

Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời,
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi

Vui sướng đi cho đời tươi sáng,
Vui sướng đi cho lòng thêm tươi,
Ta hát ca đón mừng xuân mới,
Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái

Hát vang lên đời ta thắm tươi,
Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca
Hát vang hoà lòng thêm hăng hái

Hát vang lên đời ta thắm tươi.

Nguồn gốc bài Đêm Thánh Vô Cùng (Sưu tầm )


“Đêm Thánh Vô Cùng” đã được dịch thành hàng trăm thứ tiếng và được cất lên hàng triệu triệu lần vào những dịp cuối năm. Bài hát này vang vọng từ những ngôi nhà thờ nhỏ bé ở Andes cho đến những thánh đường hoành tráng ở Antwerp hay La Mã. Ít ai biết được “Đêm Thánh Vô Cùng” lôi cuốn bao người có một nguồn gốc kỳ lạ…
(Nơi yên nghỉ của Joseph Mohr và Viện bảo tàng Joseph Mohr)
Câu chuyện bắt đầu từ 11-12-1792, tại Salzburg, Áo. Cậu bé Joseph Mohr sinh ra trong gia đình một thợ đan nghèo, cha bỏ đi. Đến ở với bà ngoại nghèo khổ túng thiếu, mỗi khi đói rét, Joseph thường lang thang đâu đó để quên đi. Chính những lần cuốc bộ đó đã làm thay đổi cuộc đời cậu và cả cách thức chào đón Noel trên thế giới. Một lần, Joseph ghé vào một nhà thờ trong làng và gặp ông Johann Hiernle, người chỉ huy dàn hợp xướng. Joseph bắt đầu tham gia sinh hoạt cộng đồng. Nhận thấy tài năng thơ ca, âm nhạc của Joseph, khi cậu đủ tuổi, Hiernle cho cậu vào học tại một trường ngữ văn nổi tiếng tại Kremsmnster. Rồi Joseph tốt nghiệp trường dòng, được phong linh mục khi vừa 23 tuổi. Về một nhà thờ ở miền núi xinh đẹp, Joseph sáng tác rất nhiều bài thơ. Xúc cảm từ một mùa Noel tuyết trắng phủ không khí yên ắng của đất trời trong một buổi sáng nọ. Joseph ngồi xuống chiếc bàn gỗ và viết một mạch bài thơ ngắn mang tên “Stille Nacht! Heilige Nacht!” (tiếng Anh có nghĩa là “Silent Night! Holy Night!”; tạm dịch “Đêm thinh không! Đêm linh thiêng!). Rồi Joseph chuyển đến nhà thờ Thánh Nicholas. Đêm trước Noel 1818, cây đàn dương cầm bị hỏng. Không thể để ngày Noel thiếu lễ nhạc, cha Joseph nảy ra ý định cho ca đoàn hát cùng với tiếng đệm guitar. Thời gian cấp bách, ông nhớ lại bài thơ ngắn “Stille Nacht! Heilige Nacht!” và đề nghị Franz Gruber (người chơi đàn cho nhà thờ) lo phần nhạc, Joseph đệm guitar và hát giọng nam cao, Franz hát giọng trầm và cứ sau mỗi đoạn thì ca đoàn của nhà thờ sẽ hòa chung phần điệp khúc. Vào gần nửa đêm, giáo dân trong vùng tưởng như thường lệ người chơi đàn đại phong cầm tấu lên những bài ca mừng Noel hùng tráng… Nhưng không, chỉ nghe thánh thót luyến láy tiếng đàn guitar nhẹ nhàng nâng giai điệu Silent Night phảng phất âm hưởng dân ca vùng nông thôn nước Áo chầm chậm lan tỏa ra trong tĩnh lặng thinh không của một thời khắc thiêng liêng…. Một Noel thật đáng nhớ.
Sau đó Joseph Mohr được thuyên chuyển đến nơi khác và trong suốt 7 năm sau đó Silent Night đã chẳng bao giờ được cất lên. Tình cờ một người thợ tên Karl Mauracher đến sửa đàn cho nhà thờ Thánh Nicholas. Sửa xong, Mauracher mời ông Gruber thử đàn. Khi Gruber lướt phím xướng cho đoạn nhạc mở đầu của Silent Night, Mauracher cảm ngay vẻ đẹp bài hát nên xin đem cả nhạc và lời của “Silent Night” về làng Kapfing. Hai gia đình ban nhạc nổi tiếng Rainers và Strassers được mời thưởng thức và liền bị cuốn hút, quyết định đưa bài hát mới vào các lễ hội âm nhạc mừng Noel. Sau đó nhà Strasser đã đưa Silent Night vòng quanh Bắc Âu. Đến năm 1834, họ biểu diễn cho Đức vua Frederick William đệ IV của nước Phổ, quá ấn tượng, vua truyền lệnh ca đoàn của cung đình phải xướng bài hát này vào mỗi dịp Noel. Gia đình Rainers thì lại sang Mỹ vào năm 1839 và đã biểu diễn Silent Night bằng tiếng Đức ngay tại Đài tưởng niệm Alexander Hamilton ở bên ngoài khuôn viên nhà thờ Trinity của New York. Năm 1863, Silent Night được Jane Campbell và John Young dịch sang tiếng Anh…
Silent Night vẫn được cho là của các thiên tài âm nhạc như Haydn, Mozart, Beethoven. Mãi đến 1995, cuộc tranh luận mới chấm dứt khi người ta tìm lại được bản viết tay của Joseph Mohr. Ngay trên góc trên bên phải của bài nhạc, Joseph viết “Soạn nhạc: Fr. Xav. Gruber”.

Bảo Chấn và chuyện đạo nhạc

Khi dính” vào chuyện đạo nhạc, Bảo Chấn sốc rất nặng, đến mức phải vào bệnh viện nằm dưỡng sức. Anh không trốn tránh dư luận, không thanh minh về chuyện “Tình thôi xót xa
Nhưng những ngày “dở dở ương ương” của cuộc đời mình, bạn bè bên anh khi gặp hoạn nạn nhiều lắm, bạn trong giới, ngoài giới, ca sĩ rồi fan hâm mộ đều an ủi anh. Nhạc sĩ Trần Tiến, người cũng bị “dính” vào "cơn bão" đó, lôi anh đi tỉnh. Đi chỉ để giải khuây, không diễn, không hát, không trò chuyện.
Hôm hẹn Bảo Chấn, anh thật thà nói là nếu không có chương trình giao lưu trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM vừa rồi, nhận thấy khán thính giả vẫn mến mình và thôi nghĩ đến cái lỗi của anh ngày trước thì đã rồi. Bảo Chấn ngồi hào hứng với những mẩu chuyện xưa. Chuyện xưa thôi, vì trong những khoảnh khắc ấy, mới thấy Bảo Chấn trẻ trung và hồn nhiên trước những giông bão của chính mình.
Bảo Chấn là con đầu trong gia đình trung lưu, thuộc dòng hoàng tộc ở Huế. Ông nội anh từng được phong là Tuyên Hóa Vương, quản cả một vùng Thanh Hóa rộng lớn. Nếu là xa xưa, bản thân anh cũng sẽ được phong tước hầu. Chính xác phải gọi Bảo Chấn là Nguyễn Tước Bảo Chấn cho đúng danh hiệu của hoàng tộc. Nhưng vì vua Minh Mạng đặt tên các chi trong hoàng tộc theo ký tự của một bài thơ, nên anh có tên là Bảo Chấn.
Là con trưởng, ngay từ bé anh đã được bố hướng vào con đường khác không dính dáng gì đến âm nhạc. Anh học trường dòng, chỉ học tốt thì cuối tuần mới được cho phép về nhà thăm gia đình. Có lần trước khi được đưa về nhà, bố anh có tạt ngang Trường Quốc gia Âm nhạc Huế để đón Bảo Phúc (em kế của anh) về chung, đó là giờ học tấu nhạc.
Trong lúc cả lớp tấu nhạc bằng tay sai, thì trước lớp, có cậu bé “vừa lùn vừa béo” nhịp tay không sai một nốt. Thấy Bảo Chấn có năng khiếu, thầy dạy nhạc hôm ấy đã thuyết phục bố anh cho anh theo học âm nhạc. Vậy là song song với học văn hóa (ngày đó, muốn tốt nghiệp trường âm nhạc phải có bằng tú tài 1) Bảo Chấn vừa theo học nhạc lý.
Năm 1966, cả nhà anh dời vào Sài Gòn lần thứ hai. Trước đó, anh cũng đã theo gia đình vào đây năm 1960, nhưng gặp phải chuyện buồn, bố anh quyết định đưa cả nhà về lại Huế. Năm 18 tuổi, anh tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Theo quy định của trường, muốn nhận bằng, Bảo Chấn phải có hai năm kinh nghiệm giảng dạy. Vậy là anh đi dạy. Tối chơi đàn tại các tụ điểm ca nhạc, sáng đi dạy chờ đủ chuẩn lấy bằng.
Đất nước thống nhất, Bảo Chấn loay hoay tìm lối đi cho riêng mình. Vì nhiều lý do, tiền kiếm được từ nghề đã không còn như trước. Anh lê la qua từng đoàn hát để nộp đơn thi tuyển, mong kiếm được một suất biên chế trong đoàn. Những ngày khốn khó cứ dồn dập mãi cho đến khi đoàn Bông Sen đồng ý nhận anh về làm nhạc công, sau 3 năm kể từ ngày Bảo Chấn nộp đơn xin việc. Có lúc, anh đã tính đi học lại trường âm nhạc, học như một cứu cánh. Nhưng rồi sau đó nghĩ không lẽ mình học lại từ nốt nhạc đầu nên thôi.
Làm việc trong đoàn Bông Sen nên anh có dịp gặp chị - người vợ của anh bây giờ. Thời đó, chị làm việc ở Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. Thi thoảng, chị cũng làm MC cho các chương trình chiếu phim lớn, anh đệm đàn. Một người nói, một người dạo nhạc, rồi thích nhau lúc nào không hay.
Anh kể, có lần mời chị đi uống nước, mỗi người một xe đạp. Chiếc xe của chị thì mới lắm, xe Bảo Chấn thì “cùi”. Đang chạy giữa đường, xe anh sút pê-đan. Cuống lên, vì túi lại chỉ đủ tiền trả tiền nước. Chấn phải kiếm cớ dừng lại giữa đường để tìm dây... thun buộc lại pê-đan rồi... đạp tiếp.
Con đường Duy Tân ngày trước (nay là đường Phạm Ngọc Thạch, TP HCM) thường được ví như là một “Hội quán văn nghệ sĩ lưu động”. Phía bênkia đường là quán nhậu với nhiều khách thân quen là các ca sĩ. Bên này đường là dãy cà phê cóc, nước mía với: Đỗ Trung Quân, Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Ngọc Thiện... Cũng con đường này là nhân chứng cho tình yêu của anh chị.
Trước khi Bảo Chấn tham gia viết nhạc (cách nói của anh là làm nhạc trẻ), anh với Dương Thụ, người bạn rất thân, cùng nhau thành lập ban nhạc trẻ có tên là Trống Đồng với nhiều “tay” rất cự phách là thành viên ban nhạc. Trống Đồng giờ là trung tâm ca nhạc nổi tiếng ở TP HCM. Sau ba tháng luyện tập, nhóm Trống Đồng trình diễn ở Sân khấu 126 để ra mắt khán giả. Ngay đêm diễn đầu tiên, khán giả đã đông đến mức gây kẹt xe cứng cả khu vực bùng binh Dân Chủ. Tên của nhóm nhạc nổi như cồn.
Trước đó, do các nhóm nhạc tại TP HCM phát triển quá nhanh và rầm rộ, tạo nên sự quan ngại cho cơ quan quản lý. Hơn nữa, nhiều nhóm nhạc chơi “bắt chước” rất giỏi, nhưng lại không có bản sắc riêng. Vậy là có lệnh, “nhóm nhạc nào muốn chơi tiếp phải viết được ca khúc”.
Để được chơi nhạc, ngay trong đêm, Bảo Chấn đã viết xong Bài ca chưa viết hết lời và sáng hôm sau đem đi trình duyệt. Trống Đồng đủ tiêu chuẩn để chơi tiếp. Nhưng, chưa được bao lâu, cả nhóm nhận được quyết định phải giải thể. Rồi anh làm nhạc trẻ, làm rất nghiêm túc. Bảo Chấn tự nhận ngay từ thời niên thiếu anh rất “mỏng mảnh” trong tính cách. Thế nên, Chấn làm nhạc không phải vì kinh tế. Anh nói viết ca khúc ra mà có người hát là sướng lắm rồi.
Cũng từ cái tính “mỏng mảnh” này, mà những Việt Anh, Quốc Bảo, Trần Lập, Kim Ngọc... đã được anh phát hiện và dìu dắt. Thời sung sức, Bảo Chấn viết nhiều ca khúc thuộc thể loại nhạc trẻ. Cứ tưởng, thời của Bảo Chấn đã đến. Đột ngột, anh “dính” vào "cơn bão đạo nhạc”. Chấn sốc, sốc rất nặng. Sốc đến mức phải vào bệnh viện nằm dưỡng sức.
Anh không trốn tránh dư luận, anh không thanh minh về chuyện “Tình thôi xót xa”. Anh chỉ thương cho những đứa con của mình, những đứa con luôn coi anh là thần tượng. Anh sợ con anh không đủ sức chịu đựng cú sốc này. Các con chính là báu vật của đời anh. Rảnh chuyện là anh nhắc đến con. Thương con, anh tìm tòi học cách truy cập blog để xem con viết gì trên đó. Thương cả cái cách con phản đối anh chuyện gì đấy. Thương tới mức đi công chuyện ở nước ngoài, cũng tranh thủ bay về đúng ngày sinh nhật con. Mặc, công việc vẫn còn dang dở.
Những ngày “dở dở ương ương” của cuộc đời mình, bạn bè bên anh khi gặp hoạn nạn nhiều lắm, bạn trong giới, ngoài giới, ca sĩ rồi fan hâm mộ đều an ủi anh. Nhưng chính anh, lại không thoát được chuyện tự dằn vặt mình.
Nhạc sĩ Trần Tiến, người cũng bị “dính” vào "cơn bão" đó, lôi anh đi tỉnh. Đi chỉ để giải khuây, không diễn, không hát, không trò chuyện. Trần Tiến dúi tiền cho anh xài, mở laptop cho anh xem “người ta”phê phán Trần Tiến như thế nào... Cứ thế, Bảo Chấn và Trần Tiến lang bạt qua nhiều tỉnh. Mãi cho đến đêm hai anh em mắc kẹt ở cầu sông Hàn (Đà Nẵng), Trần Tiến mới hỏi nhỏ Bảo Chấn:“Chuyện như thế nào vậy, Chấn?.
Cái tình là thế, không cần biết nhiều, chỉ biết Chấn buồn, Trần Tiến rủ anh rong ruổi. Kìm lòng không được, thì hỏi nhau một câu, rồi thôi. Cuộc đời dài mà, ai không phải vấp váp đôi lần. Mà không chỉ có lần vấp này trong đời sống âm nhạc của anh.
Trước "tai nạn" âm nhạc một năm, Bảo Chấn được mời ra Hà Nội để tham gia vào hội đồng Ban giám khảo tại một cuộc thi nhạc nhẹ. Mà giám khảo cuộc thi ấy toàn là tiến sĩ, phó tiến sĩ về âm nhạc. Tra lại hồ sơ, Bảo Chấn chẳng thuộc hội âm nhạc nào. Vậy thì không đủ chuẩn để ngồi ghế giám khảo.
Nhạc sĩ Hồng Đăng yêu cầu Bảo Chấn phải vào Hội gấp. Tự thân nhạc sĩ Hồng Đăng viết rồi Bảo Chấn ký tên, hai nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và Nguyễn Cường giới thiệu. Anh chính thức vào Hội Âm nhạc TP Hà Nội. Ngay trong tối ấy, Hội Âm nhạc TP Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Hội, đồng thời chào mừng thành viên mới là Bảo Chấn. Trong lễ mừng, Hội Âm nhạc TP HCM cũng cử nhiều đại biểu ra chúc mừng.
Sau sự cố "đạo" nhạc ấy, Bảo Chấn viết ít lại hẳn. Viết ít không phải vì anh ngại, mà là bởi “mình qua thời rồi”. Anh nói giới nhạc sĩ trẻ bây giờ giỏi và nhạy quá, không như thời của anh ngày trước. Họ kiếm tiền giỏi, viết nhạc giỏi, quảng cáo tên tuổi mình cũng giỏi.
Anh không bài xích nhạc trẻ như nhiều người cùng thời, anh cho rằng mỗi người có một thời riêng. Như cái thời trẻ của anh, nghe nhạc xưa thấy chán lắm, mà không hiểu sao có nhiều người thích đến vậy. Cuối cùng, rồi giá trị văn hóa nào cũng sẽ được thời gian kiểm chứng.
Có thể, chẳng ai trách nếu một người nào đó nhìn nhận Bảo Chấn với con mắt xét đoán, đại loại như“Cái ông đạo nhạc ấy thì làm được gì?”. Anh cũng đâu chối chuyện đó. Cái kiểu nhận định về Bảo Chấn như vậy, hẳn anh đã quen. Nhưng, không vì thế mà có thể phủ nhận những giá trị âm nhạc có sự đóng góp của anh.
Ai mà chẳng có lỗi lầm, tuy nhiên, mấy ai dám thừa nhận lỗi lầm ấy như Bảo Chấn. Lỗi của Bảo Chấn là anh quá sốt ruột với con đường mình đã chọn đi, thay vì chầm chậm anh lại muốn bứt phá. Mà có gì đâu, chỉ cần anh ghi dưới tên ca khúc là: Lời - Bảo Chấn, Nhạc - Nước ngoài, vậy là xong. Cái lỗi đã được sửa sòng phẳng, Tình thôi xót xa đã không được đem ra “xài” từ lâu lắm.
Câu cuối hỏi Bảo Chấn là nếu so sánh tính cách của anh và nhạc sĩ Bảo Phúc, em ruột anh thì có điểm nào biệt lập. Thay vì đáp, anh kể một câu chuyện ngày trước. Có lần, anh và Bảo Phúc đi câu cá ở Huế. Để chắc ăn, Bảo Chấn chọn đoạn nước có “tăm” cá trước khi buông mồi. Còn Phúc thì cứ dặm câu dày đặc hai bên bờ sông.
Bảo Chấn thương Phúc lắm. Chắc chắn là vậy, bởi cái cách anh nói về cậu em mình mới hạnh phúc làm sao. Ngay cả khi anh cười nói: “Có thằng anh trai sẵn trong nhà, nhờ gì mà chẳng được”, Chấn vừa dời lại chuyến đi nước ngoài của mình để giúp Bảo Phúc thu âm.
Hôm Bảo Chấn nhận giải 10 năm của chương trình Làn Sóng Xanh do thính giả nghe đài bình chọn cách đây không lâu, nhìn anh hạnh phúc lắm. Khán giả yêu nhạc trẻ không quên Bảo Chấn, đó là điều đương nhiên. Có điều, nhìn cái ảnh chụp anh ngồi ngoảnh về phía khác có người xem vẫn thấy buồn cho anh. Biết sao được, nhạc sĩ cũng chỉ là người đưa đò. Ai nhớ thì nhớ, ai quên thì quên, không thể gượng ép. Nhưng chắc rằng, với tính cách của mình, hẳn Bảo Chấn sẽ vượt qua tất cả, để tiếp tục sáng tác, cống hiến cho đời.
(theo An Ninh Thủ Đô)
Việt Báo (Theo_24h)

Đạo nhạc (Sưu tầm)

Đạo nhạc
11:43 10 thg 4 2010Bạn bè0 Lượt xem0
 
Bắt tay viết bài này, chúng tôi tìm tới một số nhạc sĩ để trao đổi ý kiến, nhưng lại bị từ chối khéo hoặc hẹn lần. Đã vậy, một nhạc sĩ tên tuổi còn khẳng định: số nhạc sĩ không “đạo” nhạc hiện nay có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phải chăng sự nhận định này có phần khắc nghiệt? 


Bộ CD “lậu” thu thập các ca khúc bị cho là đạo nhạc ở Việt Nam. Ảnh: T.V.

Từ cá nhân cố tình “đạo” nhạc... 


Vài năm lại đây, tình trạng “đạo” nhạc trở nên khá phổ biến. Mới đầu là những nhạc sĩ trẻ, ít tên tuổi, càng về sau càng đáng quan ngại hơn khi người “đạo” nhạc lại là những nhạc sĩ có tiếng thuộc thế hệ lớp trước. Còn nhớ, 4 năm trước, thị trường băng đĩa lậu tung ra một bộ 10 đĩa CD 101% Copy - cover 2004, làm chấn động những người làm nhạc lẫn khán giả yêu nhạc. 


Hàng loạt nhạc sĩ tên tuổi và những ca khúc của họ bị phát giác là sản phẩm copy. Có thể kể: nhạc sĩ Quốc Bảo với Tuổi 16 (copy từ Renaissance fair), Ngồi hát ca bồng bềnh (giống hệt The clock ticks on của Blackmore’s Night), Để anh cháy cùng em (giống Dance with me của Debelah Morgan), Ánh trăng (giống Can’t wait của Yuki Hsu - Yoo Seung Jun). Nhạc sĩ Phương Uyên có: Anh tôi (giống ca khúc Biết không còn của Nhậm Hiền Tề), Mẹ yêu (giống Anh yêu em của Vương Kiệt), Búp bê biết yêu (copy giai điệu bài hát Get the party started). Nhạc sĩ Lê Quang có Tình xót xa thôi (giống giai điệu ca khúc Well well). Vĩnh Tâm có ca khúc Tình yêu tìm thấy (giống Seven days của Craig David), Hãy cho em ngày mai (giống Let me be the one của SwiT)… danh sách này còn có Thái Thịnh, Minh Kha, Quang Huy, Hàn Vy… Chuyện thật hy hữu khi bộ CD “lậu” này được xem là cơ sở để Cục Nghệ thuật biểu diễn thẩm định lại và đưa ra danh sách có tới 70 ca khúc bị nghi là “đạo” nhạc. 


Mới đây, thị trường âm nhạc lại ồn ào chuyện ca sĩ Bảo Thy “cầm nhầm” ca khúc Pussycat Dolls; Vầng trăng khóc của Nguyễn Văn Chung giống với ca khúc Paj Huab Lis của Thái Lan; Clip Honey của Hồ Quỳnh Hương giống Jiu Shi Ai của Thái Y Lâm; ca khúc Hãy nói anh yêu em do Vĩnh Tâm viết riêng cho Trà My được phát hiện giống hệt một ca khúc Hàn Quốc. Minh Vương - sinh viên Nhạc viện có ca khúc Mưa gửi dự thi Bài hát Việt và nhận giải Bài hát được yêu thích nhất của tháng, nhưng cuối cùng bị phát hiện là sản phẩm copy từ bài Aitai của Hàn Quốc… 


Vấn đề là các ca khúc bị “đạo” nhạc thường có xuất xứ từ nước ngoài, nên hiếm thấy tác giả của những bài hát ấy lên tiếng (vì đã chắc gì họ theo dõi âm nhạc Việt Nam để phát hiện được). Nhưng thời gian gần đây, tình hình xem ra nhức nhối hơn, khi nhạc sĩ của ta “đạo” lẫn nhau. Mê khúc của Bảo Phúc một thời ầm ĩ vì anh quên không đề tên tác giả chính Anh Thoa.

Hồi đầu năm 2008, nhạc sĩ trẻ Vương Quốc Tuân phát hiện ca khúc Em của mình đã bị Thiên Ân biến thành ca khúc Đánh mất nhưng vẫn giữ nguyên 100% phần nhạc và lời. Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quận 1 Bùi Thế Hùng lấy ca khúc Người đốt đuốc soi đường của cố nhạc sĩ Xuân Hồng, chỉnh sửa đôi chút và biến thành ca khúc của mình với tên gọi Ngọn đuốc soi đường. Mới đây thôi, nhạc sĩ Vũ Hoàng thản nhiên nhận Về đất Lam Sơn – đứa con tinh thần của nhạc sĩ Lê Minh thành “con” của mình, mà chẳng cần chỉnh sửa cả lời lẫn nhạc!.
 

Đến đơn vị, tập đoàn ngang nhiên vi phạm
 

Mở truyền hình cáp bây giờ, thấy kênh nào cũng quảng cáo rầm rộ việc tải chuông điện thoại từ đầu số 8X… Có nơi tiền nhắn tin lên tới 15.000 đồng/tin nhắn. Rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ và ngay Trung tâm bản quyền âm nhạc VN tại TPHCM cũng cho biết: chưa có một kênh truyền hình nào xin phép hay mua bản quyền để sử dụng cho dịch vụ này. Như vậy, dịch vụ tải nhạc chuông trên kênh truyền hình số hiện nay là đang công khai vi phạm bản quyền bản ghi âm. 


Mới đây là vụ Hiệp hội ghi âm Việt Nam (RIAV) đang tiến hành khởi kiện Nokia về việc vi phạm bản quyền ghi âm, khi Nokia cho khách hàng của mình tải 1.000 bài hát trong kho hơn 10.000 bài hát mà chưa xin phép chủ sở hữu của các ca khúc này. Phía Nokia đùn đẩy trách nhiệm vì cho rằng họ mua các ca khúc này từ FPT, vì thế RIAV phải làm việc với FPT. Trong khi đó, kênh nhacso.net của FPT cũng đang sử dụng rất nhiều bài hát thuộc quyền sở hữu của các thành viên RIAV, mà chưa hề xin phép họ. 


Phía RIAV cho rằng, Nokia sử dụng sản phẩm của họ vào mục đích kinh doanh, mà chưa xin phép nên Nokia phải nhận trách nhiệm và có nghĩa vụ cùng RIAV giải quyết các vấn đề. Việc FPT sai như thế nào và sai đến đâu, RIAV sẽ làm việc sau. Dù rất muốn giải quyết sự việc một cách êm đẹp, ổn thỏa giữa đôi bên mà không cần phải kiện thưa ra tòa, nhưng vì Nokia thiếu thiện chí như hiện nay nên “RIAV vẫn sẽ tiến hành khởi kiện trong thời gian ngắn nhất” – bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch thường trực RIAV cho biết. 


Được biết, một năm trước đây một số mạng cũng lấy bản ghi âm của các ca sĩ, nhạc sĩ, các hãng băng đĩa bán cho các đơn vị điện thoại, karaoke… nhưng khi bị phản ứng họ đã gỡ bỏ trang này. Khi nước ta đã gia nhập Công ước Berne và Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã qui định rõ ràng, thì việc copy và “ăn cắp” bản quyền dù dưới hình thức nào cũng cần phải được xử lý thích đáng. 


Nhạc sĩ không thể bao biện việc copy của mình là “học tập, ảnh hưởng lẫn nhau” để đánh mất lòng tự trọng của người nghệ sĩ sáng tác. Còn các đơn vị, tập đoàn cũng không thể nói là “tôi mua nhầm” để lẩn tránh trách nhiệm. Đã đến lúc không thể kêu gọi lòng tự trọng, danh dự, mà pháp luật cần can thiệp mạnh tay hơn. 


Ý kiến một số nhạc sĩ:
 
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Ngày nay, người làm âm nhạc có hai loại: hành nghề để kiếm lợi, kiếm danh và làm nghệ thuật, nghĩa là hành nghiệp. Hành nghề cũng như làm kinh doanh vậy, có chiếm dụng vốn, trốn thuế, lậu thuế, với người hành nghề âm nhạc, làm vậy có nghĩa là “đạo” nhạc. Còn hành nghiệp là người làm vì yêu nghề, sống chết với nghề. Loại này rất hiếm. Bản thân tôi “đạo” của chính mình còn thấy xấu hổ với bạn bè vì mình làm nghệ thuật mà chẳng có gì mới cả.

* Nhạc sĩ Hà Quang Minh: Viết nhạc trên nền hòa âm cũ, nhưng làm lại giai điệu mới thì được gọi là ứng tác. Thế giới cũng đã có người làm việc này, nhưng người ta dám nhận và ghi là ứng tác theo ai đó. Còn ở Việt Nam, dám lấy nhưng không dám nhận...

* Nhạc sĩ Việt Anh: Khi sáng tác dễ dàng quá, giai điệu hay quá là tôi phải dừng lại ngay và xem xét lại, sau đó hát cho bạn bè nghe xem có giống với ai không. Người nhạc sĩ thường nghe rất nhiều, cái gì hay thường đọng lại rất lâu. Thành ra, tôi phải rất cẩn trọng trong những sáng tác của mình.

* Nhạc sĩ Tuấn Khanh: Người nhạc sĩ phải có bản năng phòng vệ. Khi thấy khuôn nhạc hay quá, lời lẽ bay bổng quá và nó đến một cách hết sức dễ dàng, là phải dừng lại ngay để kiểm tra lại. Đó chính là lòng tự trọng của người sáng tác.

Mọt nhạc sĩ nổi tiếng (không ghi rõ họ tên ):
Bài đăng trên blog của nhà thơ ĐỗTrung Quân

Một ca khúc tôi yêu thích!

lẽ ra không nhắc chuyện này nữa.nó chỉ là cỏn con trong vô vàn sự kiện của đời sống.vụ ns họ Vũ đạo nhạc của một ns ít tên tuổi hơn mình (dù chưa chắc tên tuổi không có).bài "sông quê" của Lê minh cũng là một ca khúc Nam Bộ hay.nhắc lại vì thấy sự đời quyền lực "chung chiếu,chung xuồng" vẫn là thứ có thật.vụ đạo nhạc Ban kiểm tra hội âm nhạc đã kết luận họ Vũ sai,nên xin lỗi.nhưng xin lỗi là thứ văn hoá cao.không phải ai làm cũng được.vậy thì tuỳ.nhưng gần đến ngày kỷ niệm Nhà giáo VN.đài truyền hình HTV.trực tiếp đêm qua 17-11.vẫn phát ca khúc Bụi phấn của Họ Vũ.điều ấy không lạ gì vì nơi đây,suốt 15 năm họ Vũ là cộng tác viên đắc lực ,luôn có mặt trong BGK cuộc thi THTH.Là uỷ viên BCH hội âm nhạc cùng với ông Nguyễn Nam trưởng phòng ca nhạc của HTV.cùng chiếu cùng giường với nhau.cần nhớ lại khi họ Vũ mở chiến dịch tuyên chiến với đạo nhạc và từng có những phát biểu cực kỳ "đạo đức và nảy lửa" trên báo chí -trường hợp ns Bảo Chấn -Quốc Bảo mấy năm trước.thì trên HTV mặc nhiên không còn ca khúc nào của 2 ns này được phát(nhấn mạnh-trong thời điểm đó của báo chí và công luận).chiến dịch gay gắt tới mức đã gây nguy hiểm,khủng hoảng cho con em của ns BC,đã đẩy anh vào suy sụp mà nếu không còn những bạn bè chia sẻ,an ủi hậu quả tan nát,bi thảm trong gia đình anh là tất yếu.đời-chẳng ai không có lần sảy chân.nhưng không có nghĩa là chấm hết nếu...

họ Vũ xuất thân nhà giáo-là gương mặt tích cực của phong trào sv thành phố nhiều năm qua,là người luôn ngồi vị trí phán xét,cầm cân nảy mực nhiều cuộc thi ca hát.ngày nhà giáo thường không thể thiếu ca khúc của ông trên phương tiện truyền thông.HTV đưa ai và giới thiệu ai là quyền của họ.chỉ không biết những nhà giáo chân chính đang có mặt trong khán phòng,những người tận tuỵ,đích thực nghĩ gì khi câu chuyện chỉ mới hôm qua với một ns lẽ ra cần ngay ngắn bởi cùng ngành với họ.tôi không quen thói la làng "bớ người ta! bớ công an!..."mỗi khi dính dáng tới chuyện nghệ thuật.thói quen xấu ấy cần khai tử nó.HTV có quyền của mình.chỉ nói rằng thế là không sòng phẳng với những người không cùng "chiếu",không sòng phẳng với chính khán giả của mình.(nếu HTV sòng phẳng thứ thiệt cũng đừng phát "phượng hồng" tôi với tư cách tác giả phần lời- cảm ơn muôn trùng)

riêng tôi! tôi có một ca khúc yêu thích , và sẽ hát nó trong ngày này "hôm nay em trở về thăm trường cũ...đòn gánh cầm tay thầy í đâu rồi!" tất nhiên càng không thể hát trên HTV.

nhưng tự thấy nó sòng phẳng với ns Bảo Chấn-Quốc Bảo.dù chỉ hát trên blog của mình.

Nhà thơ "Hoa tím ngày xưa" đã ra đi năm 2008


Sau thời gian lâm trọng bệnh, nhà thơ Cao Vũ Huy Miên - tác giả bài thơ Hoa tím ngày xưa (phổ nhạc: Hữu Xuân) đã ra đi vào lúc 17h ngày 25/11/2008
Nhà thơ, nhà báo Cao Vũ Huy Miên tên thật là Đinh Đoan Hùng, sinh ngày 31/12/1955 tại xã Xuyên Trà, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam . Anh có nhiều bài thơ nổi tiếng được bạn bè xa gần yêu thích, trong đó bài Hoa tím ngày xưa đã được Hữu Xuân phổ nhạc và bài Có đôi khi do nhạc sĩ Lã Văn Cường phổ nhạc.
Những người yêu âm nhạc sẽ không thể nào quên giai điệu tha thiết, nhẹ nhàng của bài Hoa tím ngày xưa. Đây là bài thơ gắn bó với kỷ niệm thời còn đi học trung học ở Đà nẵngcủa nhà thơ Cao Vũ Huy Miên. Ngôi nhà u tịch có giàn hoa giấy màu tím sẫm và cội lan già lúc nào cũng tỏa hương, đôi khi lại văng vẳng tiếng dương cầm và một người con gáiđẹp đi học chung đường.
 
Ảnh minh họa
 Nhà thơ Cao Vũ Huy Miên (trái) với các nghệ sĩ  hài TP.HCM
 Mối tình học trò chởm nở đã vội tàn khi nhà thơ đi học xa. Người con gái ở lại đi lấy chồng, gởi lại người yêu xưa phong giấy trắng với những cành bông giấy màu tím sẫm ép khô như thấm đẫm những giọt nước mắt.Có dịp trở về chốn cũ, bất chợt trú mưa ở giàn hoa giấy ngày xưa, cảm xúc ùa về để ngay trong đêm đó bài thơ với tứ 6 chữ ra đời: “Con đường em về ban trưa - Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ - Tuổi em vừa tròn mười bảy – Tóc em vừa chấm ngang vai… Con đường em về hương thơm - Ngọc lan khuya rụng trong vườn – Tiếng dương cầm đâu lặng lẽ - Đưa ta về phía cuối đường… Con đường em về năm xưa – Có biết hay chăng bây giờ - Hoa tím thôi không chờ nữa – Chỉ còn ta đứng dưới mưa…”.Bài thơ được đăng trên báo Tuổi Trẻ năm 1985, sau đó được hai nhạc sĩ Võ Công Anh và Vũ Hoàng phổ nhạc nhưng không được chú ý. Đến năm 1998, trên thị trường băng đĩa xuất hiện bài Hoa tím ngày xưa của nhạc sĩ Hữu Xuân với giọng hát của ca sĩ Lam Trường. 
Khi bài thơ mình trở nên nổi tiếng nhờ người phổ nhạc, nhà thơ Cao Vũ Huy Miên đã có dịp gặp gỡ nhạc sĩ Hữu Xuân cảm ơn chân thành vì đã chắp cánh cho bài thơ anh lan xa. Cũng từ bài hát này mà sau đó tác giả bài thơ, người phổ nhạc và người hát trở thành những anh em thân thiết của nhau…

Về đây nghe em


Khoảng năm 2000, đi đâu cũng nghe bài "Vè đây nghe em ",Thầy H-H hát bài này hay lắm ,một hôm hắn hỏi ,chị H bài hát này có từ lúc nào ?
Chị không rõ ..trước đây chưa nghe ....nhưng lời lẽ mộc mạc như từ trước năm 75 ...Câu hỏi bỏ lửng những 10 năm ....hôm nay tình cờ lang thang và bắt gặp ,vồ lấy như người thân xa cách chừng ấy năm ....

Tiêc thương nhạc sĩ A Khuê:

“Để đời đời làm giọt sương mai”
Nghe tin A Khuê, tác giả (phần lời) bài hát Về đây nghe em (nhạc Trần Quang Lộc) đã đột ngột từ trần ở tuổi 61 làm tôi thực sự bàng hoàng, tiếc thương tràn ngập. Mặc dù không quen biết ông nhưng từ lâu, những vần thơ và cuộc đời rong ruổi lạ thường của ông đã khiến tôi ngưỡng mộ. Tôi luôn luôn tự hỏi, tại sao cuộc đời này có những con người với những số phận kỳ lạ tới mức... không thể tin nổi đến vậy.

 Nhạc sĩ A Khuê.
Ông sinh năm 1948, tên thật là Hoàng Phúc. A Khuê là tên ông tự đặt theo một kỷ niệm riêng của ông.
 Ông theo gia đình sinh sống 6 năm ở Quảng Ngãi, 12 năm ở Đà Nẵng, sau về Đồng Nai. Khi lập gia đình, A Khuê xuống Sóc Trăng 14 năm làm ruộng, rồi bất ngờ quay lại Đồng Nai ở 8 năm, mãi tới năm 1998 cả nhà đưa nhau về Bình Phước trong một khu đồi thuộc thị xã Đồng Xoài.
Hồi đầu, chưa biết gì về ông, chỉ nghe Ngọc Tân hát Về đây nghe em  tôi đã ngờ ngợ rằng, tác giả (phần lời) phải là người gốc đồng bằng Bắc Bộ. Ngày ấy, là những năm 90 (thế kỷ trước), vào những đêm diễn của Ngọc Tân ở TP. HCM, bài Về đây nghe em được "bis" hằng đêm. Và đó là bài "đinh"  trong nhiều show diễn của Ngọc Tân ở khắp các thành phố trên suốt chiều dài đất nước. Không chỉ Ngọc Tân mà các ca sĩ trong và ngoài nước như: Quang Dũng, Tuấn Ngọc... đều chọn bài hát này cho đêm diễn hoặc cho album của mình. Có thể nói, bài hát chiếm lĩnh tất cả mọi lứa tuổi, mọi nhu cầu thưởng thức, mọi thành phần dân trí và mọi nơi chốn sinh sống trên hành tinh này, chỉ cần đó là người Việt bởi sự cô đọng của ca từ về một nỗi niềm, tâm tình Việt:
Về đây nghe em, về đây nghe em/ Về đây mặc áo the, đi guốc mộc. Kể chuyện tình bằng lời ca dao/ Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai/ kể chuyện tình bằng hạt lúa mới/ và về đây nghe lại tiếng nói/ Thơ ấu khúc hát ban đầu…
Tôi tin rằng, nghe bài hát này, nếu là lúc bạn đang xa nhà, hay lúc này đây khi biết tác giả của nó đã vĩnh viễn rời chốn trần gian, bạn sẽ khóc. Nhờ nó, thêm một lần bạn sẽ thấy đất nước thân yêu của chúng ta đẹp đến dường nào, tình cảm người Việt chan chứa đến bao nhiêu và tâm hồn mình dường như cũng đang hướng về chốn cao thượng.   
Hầu như người ta không biết đến ông trừ khi nhắc đến tác phẩm Về đây nghe em hay các bài hát khác. Ông có cuộc đời kỳ lạ. Làm thơ, và nhiều bài thơ hay của ông, dù chưa xuất bản trong các tập hay tuyển tập nhưng được người ta truyền khẩu, nhưng ông tự coi mình chỉ là gã chăn bò. Và chăn bò thực sự (theo nghĩa đen) cho đến bây giờ, trước khi từ giã cõi đời. Từ Hải Dương, A Khuê vào tuốt Nam Bộ và sống cuộc sống phong trần mang nhiều tính cách anh Hai giang hồ. Nhưng có thêm sự điểm pha cái gì đó của đồng bằng Bắc Bộ khiến cho thơ của A Khuê vừa mơ mộng, tinh tế vừa rất ngang tàng chân thực. Sống đời chăn bò, bò theo ông vào thơ: ... Lùa đàn bò say/ Đi đâu cuối ngày/ Ta phải ta hát/ Đời khuất chân mây... Hay Lùa đàn bò say/ ngất ngưởng trong sương/ Ta phải ta hề/ Áo mát trần truồng... A Khuê có những câu thơ vẽ đúng chân dung chính mình: Ta có hồn phiêu bạt/ Sinh ra đời để đi. Hay Đồi trăng không ngớt vi vu/ bữa nay tôi nhậm sương mù thở than/ Đồi trăng mỏng diệu diệu vàng/ Hồn bay, bay giữa hai hàng hoa lê...
A Khuê làm ruộng, đốt củi, làm than, nuôi lợn, chăn bò và A Khuê làm thơ là một, vẫn là A Khuê ấy. Không chỉ thơ, còn âm nhạc nữa, sáng tác và chơi ghi-ta. Nghe nói ông có tới 300 ca khúc, đã có 3 tập nhạc đang chờ xuất bản. Hình như có 36 bài trong 1 CD đã được FPT chọnmua để phát sóng trên kênh nhạc số. Gần đây những ca khúc của A Khuê như Tình Thiên thu được Trần Thu Hà thu âm, Viễn mộng được Tấn Minh sử dụng... Sinh 8 người con, làm ruộng, chăn bò làm kế sinh nhai và nuôi con đã khó, lại nuôi những đứa con khó tính nhất của tinh thần là thơ và nhạc, A Khuê không phải là một số phận, một cuộc đời đáng kinh ngạc sao?
Về đây nghe em... Về đây thả ước mơ đi hát dạo/ Để đời đời làm giọt sương mai… Này người ơi vươn cao vươn cao/ Đem ánh sáng hân hoan trên trời/ Rọi vào đời... Nghe đâu đây, câu thơ của ông đang ngân vang. Những câu thơ bất tử. Những câu thơ chở tâm hồn Việt và nhờ nó mà mọi người Việt trên thế giới này có một điểm hòa chung.             
Thu Thủy

Bảo Phúc phân trần về 'Mê khúc'


12:14 11 thg 4 2010
"Sau khúc mắc xung quanh chuyện tác quyền bài "Mê khúc", tôi và Anh Thoa có cuộc nói chuyện như giữa hai người bạn và đồng ý rằng sự việc vừa qua là do bất cẩn. Thoa vẫn trân trọng tôi, vì tôi là người đưa đến cho anh ấy niềm vui được sáng tác và đưa những tác phẩm của anh từ bóng tối ra ánh sáng", nhạc sĩ Bảo Phúc nói với Thanh Niênvề sự cố vừa qua.
- Tiền thân của "Mê khúc" là bài nhạc "Hạnh phúc còn lại" mà tác giả Anh Thoa viết tặng vợ. Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng anh là người nổi tiếng, lại có "công" giới thiệu bài hát đến công chúng nên mới đứng tên đồng tác giả với Anh Thoa ?
Nhạc sĩ Bảo Phúc và Anh Thoa.
Nhạc sĩ Bảo Phúc và Anh Thoa.
- Anh Thoa viết ca khúcHạnh phúc còn lại năm 1989, khoảng thời gian này tôi có hướng dẫn anh ấy sáng tác nhạc. Từ bản thảo Hạnh phúc còn lại tôi có chỉnh sửa về khúc thức, tiết phách và một số ca từ cho tác giả Anh Thoa. Cũng chính Anh Thoa là người đề nghị tôi đứng tên đồng tác giả như một cách để thắt chặt tình bạn giữa hai đứa. Mê khúc lần đầu tiên giới thiệu qua album Lạc mất emdo Cẩm Vân hát. Mà hai anh em lúc đó cũng rất vui và chấp nhận sự kết hợp đồng tác giả Bảo Phúc - Anh Thoa.
- Nhưng một số thông tin trên báo chí gần đây cho rằng anh cố lờ đi chuyện tiền tác quyền của tác giả Anh Thoa ?
- Sau khi album Lạc mất em do Cẩm Vân hát ra đời năm 1998, tôi có đến và gửi cho Anh Thoa số tiền 150.000 đồng tiền tác quyền. Năm 1996, khi CD Mê khúc của ca sĩ Hồng Nhung phát hành gồm 10 tình khúc của Bảo Phúc - Anh Thoa, tôi cũng mang đến cho Thoa 700.000 đồng và mua cho con anh ấy một chiếc xe đạp thể thao. Cả hai lần này tôi đều trao tiền tác quyền, cũng như hai CD này đều ghi đồng tác giả là Bảo Phúc - Anh Thoa. Còn trong album Quang Dũng gần đây sự thiếu sót tên Anh Thoa là do lỗi từ phía nhà sản xuất là hãng Bến Thành. Hãng Bến Thành cũng thừa nhận thiếu sót và xin lỗi trên báo. Vì thế, đâu thể nói là tôi cố lờ đi tiền tác quyền của Anh Thoa được...
Trước những lời phát biểu của Bảo Phúc, Anh Thoa nói: "Những gì tôi nói về sự trân trọng Bảo Phúc là sự thật, nhưng tôi cũng hơi buồn vì Phúc đã đánh giá tình bạn không như tôi nghĩ. Tôi biết sự việc đã ảnh hưởng đến Bảo Phúc rất nhiều, nhưng cũng xin Phúc đừng lấy tình cảm để khỏa lấp sự việc. Tôi muốn sự rạch ròi giữa hai giới hạn đó. Vấn đề này tôi không muốn tranh cãi, nhưng những gì sự thật thì nên rõ ràng".
- Vậy anh nói gì về lời phát biểu "làm ơn mắc oán" trên báo chí?
- Tôi với Anh Thoa không phải là một người nổi tiếng với một kẻ tật nguyền, mà giữa chúng tôi là tình bạn. Sau những gì hiểu lầm trên báo gần đây, Thoa vẫn nói với tôi là: “Thoa sẽ luôn mang tình cảm hai đứa suốt đời cho đến chết", tôi nghĩ tình cảm của tôi đối với Anh Thoa cũng như vậy. Còn "làm ơn mắc oán" là câu nói hồ đồ trong lúc nóng giận và cảm thấy bị xúc phạm của tôi. Tôi không phân bua, nhưng anh em trong nhà lúc nóng nảy cũng có lúc không kìm chế được như vậy mà...
- Anh nghĩ sao nếu Anh Thoa đi kiện?
- Thực ra chuyện này là do một số người bạn của Thoa vì chưa hiểu tôi nên "bức xúc" giùm bạn chứ hoàn toàn không phải chủ ý của Thoa. Tôi cũng đã tham khảo ý kiến của Hội Âm nhạc TP HCM, và nhạc sĩ Tôn Thất Lập - Phó Tổng thư ký Hội cũng gợi ý rằng chuyện này nên giải quyết giữa hai đứa tôi như những người bạn. Còn nếu phía Thoa cảm thấy muốn tiến hành kiện tụng thì tôi cũng không ngại. Nếu nói lý ra thì giữa một bài nhạc nghiệp dư của Anh Thoa và một bài nhạc đã qua sự sửa đổi của một nhạc sĩ chuyên nghiệp của tôi là khác chứ. Trước đây giữa nhạc sĩ Thanh Tùng và Huỳnh Phước Liên cũng xảy ra trường hợp tương tự, và kết quả khiếu kiện vẫn thuộc về nhạc sĩ Thanh Tùng đó thôi. 
Ai là tác giả ca khúc Mê khúc? Chuyện rắc rối nhân tình đang nảy sinh giữa một người nổi tiếng - nhạc sĩ Bảo Phúc - và một người bệnh liệt giường 20 năm.
Này 17/11/2004(báo ngôi sao )

Chung quanh quyền tác giả của Mê khúc: Bài hát ấy của tôi!

(Việt Báo 3/19/2004)


Sau khi album Mê khúc (ca sĩ Quang Dũng) được giới thiệu trên TT, một bạn đọc gọi điện thoại cho biết "Mê khúc không phải của nhạc sĩ Bảo Phúc. Đó là tác phẩm của bạn tôi!".
Và phóng viên TT đã tìm đến người bạn ấy... Tiếp tôi là một người đàn ông trung niên nằm dài trên giường, nửa người dưới quấn trong chăn. Anh nói: "Xin lỗi phải tiếp anh như thế này vì...". Quanh giường anh là hàng chồng giấy tờ, máy vi tính, điện thoại...
"Tôi bị liệt gần 20 năm rồi nên không đi đâu được. Mấy ngày nay xương cùng lại bị loét nên không ngồi xe lăn được, có lẽ phải chuẩn bị mổ". Đó chính là anh Trịnh Văn Thoa (bút danh Anh Thoa).
Anh Thoa tâm sự:
- Tôi nguyên là bảo vệ bến xe Chợ Lớn. Năm 1987, một cánh cửa sắt bị sập, lẽ ra tôi chạy thoát nhưng thấy có mấy em bán bánh mì đứng đó, tôi nhảy vô xô các em ra, cửa sắt đè trúng lưng và tôi bị liệt nửa người từ đó. Năm 1980, vốn là thành viên đội văn nghệ xe khách thành, tôi quen biết anh Bảo Phúc khi anh đến làm việc với đội văn nghệ. Sau đó chúng tôi khá thân nhau.
Và chúng tôi cũng có một số ca khúc viết chung, tôi viết lời, Bảo Phúc viết nhạc. Khi ấy, Phúc thường hỏi: "Tên tác giả để sao đây?". Tôi trả lời: "Sao cũng được", và cái tên Bảo Phúc - Anh Thoa có từ đó, dành cho những ca khúc viết chung hoặc của tôi đưa cho Phúc chỉnh lại. Riêng Mê khúchoàn toàn là tác phẩm của tôi.
Giao thừa năm 1989-1990, được về nhà sau hai năm nằm viện, nhìn vợ, tôi bỗng thấy cảm thương và đêm ấy khai bút đầu năm, tôi viết xong ca khúc Hạnh phúc còn lại, ca ngợi sự chịu đựng và chăm sóc gia đình, con cái của vợ tôi trong suốt hai năm tôi nằm bệnh viện.
Sáng hôm sau, Bảo Phúc và vợ đến nhà chúc tết, tôi mang ca khúc ra khoe. Anh nghe xong đề nghị được mang đi phổ biến, tôi không đồng ý và nói: "Đây là tác phẩm tao viết tặng vợ. Muốn phổ biến thì phải viết lời khác, rộng hơn mới được!". Và ít lâu sau đó, tôi viết lời mới cho bài hát này với tựa mới là Mê khúc và đưa cho Bảo Phúc.
Chung quanh quyen tac gia cua Me khuc Bai hat ay cua toi
Bản thảo phần lời
ca khúc "Mê khúc" của Anh Thoa vẫn còn giữ cùng phần nhạc và lời của "Hạnh phúc còn lại" trong lần sáng tác đầu
Một thời gian sau ca khúc này được Cẩm Vân hát với tên tác giả là Bảo Phúc - Anh Thoa. Tôi được bạn bè nói lại và có hỏi Phúc vì sao thì được trả lời: "Do khâu in ấn bìa sai!". Phúc nói sao tôi nghe vậy.
Nói thật với anh, đời tôi chẳng còn gì, nên chẳng muốn kiện thưa e ảnh hưởng đến sự nghiệp của Phúc. Nhưng rồi cứ vậy mà Phúc tiến tới. Khi album của Ý Lan ra đời với Mê khúc, tôi cũng chẳng biết (kể cả tác quyền). Album Hồng Nhung ra đời có Mê khúc tôi cũng chẳng biết.
Khi được biết, tôi hỏi, Phúc cũng nói như trước đây: "Tại in ấn sai!". Thế nhưng nhiều bạn bè của tôi thì không chịu như vậy. Họ cho rằng Phúc làm thế không được. Một người bạn đã nhận tài trợ cho tôi ra hẳn một album lấy tên Mê khúcđàng hoàng nhưng không may cho tôi là bạn ấy mất đột ngột nên album không ra đời được.
Nhưng nhờ chuyện này mà nhạc sĩ Trần Hữu Bích (biên tập album) biết chuyện và cũng phản đối cách dĩ hòa vi quý của tôi. Thế nhưng tôi cứ nghĩ rằng Phúc mang cho tôi niềm vui là được phổ biến tác phẩm của mình ra bên ngoài căn nhà này. Chính vì nghĩ vậy tôi cứ băn khoăn mãi, Phúc là bạn tốt hay tôi đang tự dối mình?
Mới thứ bảy vừa rồi (30-10), khi báo đăng album Mê khúcqua giọng ca Quang Dũng, tôi điện hỏi, Phúc lại bảo “do in ấn sai” và hứa sẽ nói nhà sản xuất (Bến Thành audio & video) điện xin lỗi tôi, nhưng đến nay có thấy đâu!
Cứ băn khoăn về việc này nên hơn mười năm nay tôi không nói với ai, trừ một số bạn bè thân thiết. Tôi vẫn không hiểu tại sao Phúc lại làm như thế? Cho đến lần này, cô Hải - người đã điện thoại đến Báo TT sau khi đọc tin Mê khúc, một bạn thân của tôi trước đây công tác Đoàn trong một xí nghiệp - nói là tôi không nên im lặng nữa. Có thể vì vậy tôi quyết định phải nói...
Ngày 3/10 /2004
TRẦN NHẬT VY

Nhạc sĩ Bảo Phúc: đi trong cõi hoa...ngày 1/6/2009 tin báo Tuổi trẻ


Sẽ không còn hình ảnh nhạc sĩ Bảo Phúc ngồi đệm piano và hát như thế này vào mỗi dịp tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Bình Quới - Ảnh: T.T.D.
Nhắc đến Bảo Phúc, công chúng mộ điệu sẽ nhớ ngay đến những tác phẩm: Gót hồng, Dòng sông không trở lại, Những nẻo đường phù sa, Nắng hồng soi mắt em, Ðể gió đưa vào lãng quên... Những bản tình ca của anh nhẹ nhàng lắng sâu vào lòng người, chậm rãi mà bền bỉ như phù sa. Nhiều trong số đó là những tác phẩm viết cho phim và từ phim đã đi vào đời sống, bắt đầu từ bộ phim Ngôi sao cô đơn hợp tác với đạo diễn Trần Cảnh Ðôn.
Người quan tâm đến chuyện đời nghệ sĩ sẽ nhớ anh vốn xuất thân từ dòng hoàng tộc nhưng lại không hề được sống trong nhung lụa mà trái lại đã trải qua những tháng ngày cơ cực tuổi thơ. Người nhạc sĩ tài hoa đã có 52 năm đầy thăng trầm như những dòng sông khi nước ròng, nước lớn...
Bảo Phúc là một tài năng hiếm có, không chỉ trong một lĩnh vực. Anh từng là một họa sĩ nhí đầy triển vọng trước khi bị tai nạn. Bên cạnh công việc sáng tác, anh nổi danh là một nhạc sĩ hòa âm với khả năng làm việc bền bỉ, tốc độ và luôn đầy trách nhiệm. Chọn ngành hòa âm từ thuở nó vẫn còn là một cái gì mới mẻ, xa lạ với các tác giả Việt, anh muốn khai phá đến tận cùng trên mảnh đất ấy, bởi như anh nói hòa âm là không gian sáng tạo vô hạn cho những cảm xúc nội tâm.
Khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ cho phép anh thể hiện mọi sắc thái âm nhạc trên một bản tổng phổ. Ðể bảo đảm rằng tác phẩm cuối cùng được chuyển đến cho khán giả là sản phẩm hoàn chỉnh nhất, anh tự tìm đến những buổi tập trước các live show, trò chuyện với đồng nghiệp lý do vì sao anh hòa âm như thế và tác phẩm nên được trình tấu ra sao. Thay vì đọc kịch bản để viết nhạc cho phim, anh đến trường quay để cảm nhận không khí, cảm nhận những cảm xúc nơi diễn viên để bản nhạc không trở nên lạc lõng hay chỉ là một bài hát minh họa.
Ðêm nhạc Ngồi bên hiên nhà tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Bảo Phúc ngồi đơn độc trên sân khấu bên cây đàn piano. Khi anh dạo những ngón tay lả lướt lên phím đàn và hát lời ca khúc Hành hương trên đỉnh núi “Người đi hành hương, về miền núi xa...”, nhiều khán giả rưng rưng... Có một sự đồng cảm kỳ lạ giữa hai người nhạc sĩ tài hoa này, cả cái cách dự cảm một sự ra đi thanh thản.
Hai biến cố được xem là dấu mốc cuộc đời Bảo Phúc là tai nạn ngã lầu khi anh lên 10 và cơn xuất huyết não năm 2005. Cả hai đều đẩy anh vào cảnh tuyệt vọng để ngay sau đấy người ta lại thấy một Bảo Phúc trở lại với đời, mạnh mẽ và nhiệt huyết khi anh đã thấu triệt cái lẽ thường tình “phúc họa tùy duyên”. Anh vẫn đều đặn tập luyện Bát đoạn cẩm (bài khí công được Trịnh Công Long, em nuôi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, truyền thụ), đều đặn đạp xe mỗi ngày để dưỡng sức, song cũng tụ họp bè bạn đều đặn bên chén rượu bởi như cố nhạc sĩ Từ Huy từng nói: “Ðời không có bạn sẽ thật là buồn”.
Vài năm trở lại đây, khi “những hạt giống tiềm tàng đã nảy mầm”, Bảo Phúc tìm đến với Phật pháp, thực hành thiền giúp tâm hồn thanh tĩnh. Anh đã sống, đã cống hiến cho đời những bài ca, đã chân thành với bè bạn, đã hát cho khán giả của mình bằng một trái tim yêu thương và một kiến thức sâu rộng. Có lẽ anh cũng đã mãn nguyện với những gì mình đạt được.
Như niềm an lạc của anh khi hát “Ði trong cõi hoa thơm ngát hồn” (Cõi hoa). Cõi hoa còn đó, anh ra đi, còn lại là sự tiếc thương của bạn yêu nhạc cho một “thần đồng nhạc - họa”, một ông “vua nhạc cụ”, “một giọng ca truyền cảm”, “tay piano cự phách” của làng văn nghệ VN...