Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Tết các dân tộc ở Hà Giang




Khi những cơn mưa phùn lất phất bay, tiết trời se lạnh, những cành đào, cành mận bung nở hoa trắng xóa trên những cao nguyên đá cũng là lúc các dân tộc Hà Giang rộn ràng đón Tết theo cách riêng của dân tộc mình…
Đồng bào Mông và phong tục “vỗ mông” bạn tình 


Tết Nguyên đán của người Mông gọi là Naox-Cha. Tết của người Mông thường tổ chức giữa mùa đông giá rét, trước hay sau Tết dương lịch chỉ có mấy hôm. Đêm giao thừa các gia đình thường cử con trai đi "mở nước", tức là đi lấy nước ngoài sông suối đem về nhà cúng tổ tiên.

Trong nhà, người Mông trang hoàng đủ màu sắc, nhưng màu đỏ là được ưa chuộng nhất (theo cách nghĩ của người Mông, màu đỏ là màu thịnh vượng). Trong dịp Tết, thức ăn của người Mông ngoài một con lợn béo được chuẩn bị sẵn ra, người ta còn làm bánh bằng bột nếp. Tất nhiên, bữa cơm ngày Tết không thể thiếu món mèn mén (ngô xay đồ chín) hay thắng cố (làm từ ngũ tạng gia súc).

Đặc biệt, vào ngày Tết, trai gái người Mông thường hay tụ tập dưới chân núi để vui xuân. Khi người con trai ưa người con gái nào đó, sẽ vỗ vào mông cô ta và dắt tay tìm chỗ tâm tình thâu đêm suốt sáng. 

Đồng bào Lô Lô: Đánh thức gia súc đêm giao thừa 




Trang phục tết của thiếu nữ Lô lô

Đồng bào Lô Lô ở Hà Giang đón tết khá giống người Kinh: chuẩn bị lợn gà, các loại bánh trái thật đầy đủ để ăn Tết. Từ 29-30 Tết, các nhà đều dọn dẹp sạch sẽ, đưa hết rác rưởi từ trong nhà, ngoài vườn ra ngoài đường để tống khứ uế tạp trong năm cũ. Chiều 30 Tết, mọi gia đình tổ chức bữa cơm sum họp và gia chủ chúc phúc cho hết thảy các thành viên trong gia đình.


Chỉ có điểm khác dưới xuôi, bà con Lô Lô có tục đón giao thừa bằng cách đánh thức tất cả gia súc nuôi trong nhà cùng dậy. Riêng tất cả đồ dùng trong gia đình và cây cối trong vườn đều được dán giấy màu vàng bạc để nghỉ ngơi trong ba ngày Tết, không được đụng chạm đến.

Đồng bào Tày: vật dụng cũng được nghỉ
Đồng bào Tày cũng có cách đón năm mới rất riêng của mình. Tết Nguyên đán là mở đầu cho một năm mới và bà con bắt đầu ăn tết từ 28 tháng chạp âm lịch. Những ngày này trai gái trong bản tất bật trang trí lại nhà cửa, quét dọn sạch sẽ và sắp xếp lại đồ đạc trong nhà để cho gian nhà thêm mới mẻ và ấm cúng. 

Bước sang ngày 29, người Tày bắt đầu làm thịt lợn và chế biến những món ăn như: giò, chả, thịt luộc, thịt nướng và lạp sườn...Nếu ngày này ai đó có dịp đến với vùng cao sẽ thấy nhà nào cũng treo những dây lạp sườn trong bếp thật hấp dẫn.

Đến ngày 30 tết, những vật dụng lao động, trong nhà như dao, rựa, cày, bừa… được cất tất cả vào một nơi rồi làm lễ cúng để vì theo đồng bào nơi đây, những vật dụng đó đã gắn bó và theo mình suốt một năm lao động vất vả nên chúng cũng phải được nghỉ ngơi đón tết.

TRẦN ĐÌNH TÚ tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét