Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Hướng về Hà Nội


Bài hát Hướng về Hà Nội tôi nghe lần đầu qua giọng hát Thái Thanh ,sau này nghe Lệ Thu ,rồi ...nhiều ca sĩ ...tôi lại thích Ánh Tuyết hát nhất có lẽ do phần hoà âm  nềnnghe hay hơn trước ...

Lời bài hát nhẹ nhàng nỗi nhớ thanh phố từ nơi xa xôi ,khi đó Hà Nội đang vang ầm tiếng súng .
"Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi 
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi áo màu tung gió chơi vơi Hà Nội ơi, phố phường dài ánh trăng mơ 
Liễu mềm nhủ gió gây thơ thấu chăng lòng khách bơ vơ Hà Nội ơi, những ngày vui đă ra đi, 
Biết người có nhớ nhung chi, 
Hết rồi giây phút phân ly 
Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê, 
Tóc thề thả gió lê thê 
Biết đâu ngày ấy anh về 
Một ngày mùa chinh chiến ấy, 
Chim đã xa bầy mịt mờ bên trời bay 
Một ngày tả tơi hoa lá, ngóng trông về xa ... luyến thương hình bóng qua 
Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi, 
Nắng hè tô thắm lên môi, thanh bình tiếng guốc reo vui 
Hà Nội ơi, kiếp đời muôn hướng buông trôi 
Nhớ về người những đêm rơi
Nhắn theo ngàn cánh chim trời 
 Hà Nội ơi, những ngày thơ ấu trôi qua, mái trường phượng vĩ dâng hoa dáng chiều ủ bóng tiên nga. 
Hà Nội ơi, mắt huyền ngây ngất đê mê, tóc thề thả gió lê thê, hãy tin ngày ấy anh về 
Một ngày tàn hương chinh chiến, lửa khói lăn chìm, tìm về nơi bờ bến
 Một ngày hồng tươi hoa lá 
Hát câu tình ca nói lên lời thiết tha 
Hà Nội ơi, biết người còn có trông mong, 
Hướng về ai nữa hay không những ngày xa vắng bên sông. Hà Nội ơi, những chiều sương gió dâng khơi 
Có người lặng ngắm mây trôi, Biết bao là nhớ tơi bời ..."
Ca sĩ Lệ Thu 

  
 Ca sĩ Hồng nhung:
  
Lệ Thu và Thanh Thuý :
  

Ánh Tuyết
  
 Mai Hương : 


Sau đây là bài phỏng vấn của phóng viên trước ngày lễ mừng Thăng Long ngàn năm 
"Hơn 50 năm trước, trong tiếng bom đạn và những bộn bề lo toan của người dân tản cư, chàng trai trẻ Hoàng Dương đã cầm bút viết lên những dòng đầu tiên của bài hát “Hướng về Hà Nội”. Bài hát đã được thể hiện qua rất nhiều giọng hát nổi tiếng như Ngọc Bảo, Lê Dung, Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh…
Dù dưới giọng hát của ca sỹ nào, phong cách nào thì ở đó, người nghe vẫn cảm nhận được trọn vẹn những cảm xúc, tâm tình của chàng trai trẻ ngày ấy với trái tim cháy bỏng hướng về Thủ đô.
Một ngày giữa xuân Canh Dần, tôi gặp nhạc sỹ Hoàng Dương giữa lòng Thủ Đô yêu dấu, dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi nói về Hà Nội, về những ngày tháng đã qua, lòng ông như trẻ lại. Cảm xúc cũ lại ùa về theo từng lời tâm sự.
- Thưa nhạc sỹ Hoàng Dương, ông có thể nói qua về hoàn cảnh ra đời của bài hát : “Hướng về Hà Nội”?
Đó là vào những năm 1953 - 1954. Lúc đó tôi đang hoạt động Cách mạng tại đội tuyên truyền văn nghệ Thành nội bộ Hà Nội. Hồi đó chiến tranh đang diễn ra hết sức cam go. Chúng tôi thường xuyên phải chạy trốn sự truy đuổi của quân thù.
Tôi nhớ đêm đó, khi đang túc trực tại nhà 1 người dân nơi ngoại thành Hà Nội. Tiếng súng, tiếng pháo bên kia thành phố dội vào. Hà Nội đang bị cày xới bởi bom đạn của kẻ thù. Hòa bình đang ở đâu đó xa xôi lắm. Vừa mong đến ngày chiến thắng, lại nhớ tới hình bóng người con gái Hà Nội mình thầm yêu… Biết đâu ngày gặp lại. Những hình ảnh thân thuộc từ tận tâm khảm hiện về, tôi liền ngồi vào bàn giấy viết những dòng đầu tiên của bài hát “Hướng về Hà Nội”. Cảm xúc đến tự nhiên, dạt dào nên tôi sáng tác rất nhanh.
- “Hà Nội ơi!” - tiếng gọi ấy đã xuyên suốt ca khúc. Có người đã nói: “Hà Nội của nhạc sỹ Hoàng Dương là một người tình”?
Đó là lời khẳng định của nhà thơ Ý Nhi. Ý Nhi đã nói đúng. Bài hát ghi dấu 2 sự ra đi, nó mang những sắc thái tình cảm khác nhau khi tôi còn là đội viên đội Thiếu sinh quân.
Vào những năm 1947 - 1948, chúng tôi tản cư về phía ngoại thành. Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là đi rồi lại về, kháng chiến chỉ là tạm thời. Mới xa Hà Nội thì nhớ lắm, nhớ vô cùng. 
Năm 1953, tôi trở về hoạt động cách mạng. Lúc đó tôi yêu 1 người con gái Hà Nội. Một thời gian hoạt động cách mạng thì bị địch phát hiện, tôi phải bỏ trốn. Cảm xúc nhớ Hà Nội, nhớ người xưa lại dâng trào.
Hai sự ra đi đó đã đúc kết nên cảm xúc để tôi sáng tác bài hát: “Hướng về Hà Nội”.
- Chính 2 lần ra đi đó đã tạo cho bài hát những cung bậc cảm xúc rất trái ngược nhau?
Qua bài hát, tôi đã vẽ một Hà Nội rất thật. Một Hà Nội “tả tơi hoa lá”. Đó là một cái gì đó hiện thực. Nhưng đâuphải chỉ có mất mát, đau thương, Hà Nội còn là niềm tin, là hi vọng của tất cả thanh niên Thủ đô hồi đó. Chúng tôi luôn tin cái ngày “hồng tươi hoa lá” đó sẽ đến. Và nó đã đến đúng như mong đợi.
- Một thời gian dài, bài hát “Hướng về Hà Nội” không được biểu diễn công khai?
Năm 1954, bài hát dưới giọng hát của Kim Tước đã được phổ biến rộng rãi. Bài hát mang vẻ đẹp đậm chất của người thành phố. Nhưng nó cũng là 1 bài hát mang đậm… “nỗi buồn tiểu tư sản”.

Cũng như nhiều tác phẩm khác, 1 thời gian rất dài, bài hát “Hướng về Hà Nội” không được biểu diễn công khai. Nhưng rất may là những ca từ, giai điệu của nó vẫn âm ỷ cháy trong lòng những những người con Thủ đô. 
Phải hơn bốn mươi năm sau, đến những năm cuối của thế kỷ 20, bài hát mới được “minh oan” và đón nhận nhiều sự chia sẻ của khán giả. Có nhà phê bình âm nhạc đã không tiếc lời khi nói: “Hướng về Hà Nội” là sự chưng cất của nét tài hoa lắng đọng trong không gian thời gian và linh thiêng sông núi.
- Ông có kỷ niệm vui nào với bài hát “Hướng về Hà Nội”?
Kỷ niệm thì nhiều, nhưng tôi nhớ nhất là cuộc gặp gỡ với nhà thơ Quang Dũng.
Có lần Quang Dũng đến chơi nhà tài tử Ngọc Bảo. Sau khi được nghe Ngọc Bảo hát bài hát của tôi, Quang Dũng đã nhờ Ngọc Bảo nhắn với tôi rằng ông rất muốn tôi đến chơi nhà của ông. 
Mấy ngày sau tôi tìm đến, nhà thơ Quang Dũng đã ôm chầm lấy và bảo: “Cảm ơn Dương, mặc dù mới được gặp cậu lần đầu nhưng tâm hồn của chúng ta đã rất giống nhau. Tớ cảm nhận được rất nhiều sự đồng điệu trong đó”. 
- Tôi cảm nhận ở những tác phẩm của Hoàng Dương là chất thơ, trữ tình, lãng mạn nhưng phảng phất đâu đó là 1 nỗi buồn?
Có lẽ đúng. Tôi chịu ảnh hưởng từ sự lãng mạn của cha mình (Danh nhân văn hóa Hà Nội - nhà thơ - nhà báo Trúc Khê Ngô Văn Triện). Thời tôi còn trẻ, cha tôi làm báo ở Hà Nội, cuối tuần lại về Từ Liêm với vợ và các con. Nhà nghèo nhưng cha vẫn cho xây một ngọn núi, đào một con sông nhỏ để cùng những người bạn như Tản Đà, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Lưu Trọng Lư… ngắm trăng uống rượu làm thơ. 
Những buổi sinh hoạt ấy của người, cộng với kho sách vở trong nhà với những Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên, cho đến Verlaine, Lamarrtine, Baudelaire… đã ảnh hưởng nhiều đến tâm hồn và con đường đi sau này của mình.
Tình yêu Hà Nội trong tôi là nỗi nhớ nhung về những tháng ngày đã lùi dần vào dĩ vãng. Là một Hà Nội nhỏ nhắn và dịu dàng nơi tôi đã chôn chặt mối tình thời trai trẻ với một cô gái Hà Nội mà tôi đã không có duyên nợ. Nhưng qua đó đã cho tôi có được một bài hát, cũng là tiếng lòng dành cho mảnh đất quê hương.
- Sắp tới ông có dự định gì để góp phần vào đại lễ “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”?
Có chứ. Mình còn sức khỏe thì còn phải cống hiến. Với tôi Hà Nội là quê hương, là máu thịt. Vì thế mà tôi phải góp 1 phần nhỏ để vun đắp. 
Bây giờ tôi đang chủ biên tập sách “Ca khúc Hà Nội thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21” dày gần sáu trăm trang để hướng tới ngày đại lễ 1.000 năm - Thăng Long Hà Nội. 
Cùng với các nhạc sỹ khác, chúng tôi muốn ghi lại toàn bộ lịch sử âm nhạc trong quãng thời gian qua để hướng tới ngày lễ trọng đại của dân tộc. Hầu hết các khâu tôi đã làm xong, chỉ chờ thủ tục để phát hành. Đó cũng là một cách yêu Hà Nội của riêng tôi.
Xin cám ơn nhạc sỹ Hoàng Dương!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét