Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Ngu Cơ



Photobucket
Ngu Cơ thường xuyên đi cùng Hạng Vũ ra chiến trận, sát cánh cùng Sở Bá vương trong suốt nhiều năm chinh chiến. Đoạn tiễn biệt giữa hai người trong thành Cai Hạ là một đoạn bi tráng rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc được Sử ký của Tư Mã Thiên nhắc tới.

Hạng Vũ và Lưu Bang vốn đã giảng hoà ở Hồng Câu để chia đôi thiên hạ. Nhưng sau đó Lưu Bang bội ước đánh úp Hạng vương khiến Hạng vương phải chạy vào thành Cai Hạ.

Hạng vương đóng quân ở trong thành Cai Hạ, binh ít, lương hết. Quân Hán và quân chư hầu bổ vây mấy vòng. Đang đêm, Hạng vương thức dậy nghe quân Hán ở bốn mặt đều hát giọng Sở, Hạng vương kinh hoàng, nói:

Hán đã lấy được Sở rồi sao? Sao mà người Sở lại đông như thế?
Đêm hôm đó Hạng vương uống ruợu trong trướng cùng Ngu Cơ. Hạng vương đau đớn cảm khái làm bài thơ, được đời sau gọi là bài "Cai Hạ ca":

Lực bạt sơn hề, khí cái thế,
Thời bất lợi hề, Chuy bất thệ
Truy bất thệ hề khả nại hà,
Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà.

Dịch:

Sức nhổ núi, khí trùm đời,
Ngựa Chuy chùn lại bởi thời không may!
Ngựa sao chùn lại thế này?
Nàng Ngu, biết tính sao đây hỡi nàng?

Hạng vương ca mấy lần, Ngu Cơ múa kiếm, hát hòa theo, lời ca rằng:
Hán binh dĩ lược địa,
Tứ diện Sở ca thanh.
Trượng phu ý khí tận,
Tiện thiếp hà liêu sinh.
Dịch:
Quân Hán lấy hết đất,
Khúc Sở vang bốn bề.
Trượng phu chí lớn cạn,
Tiện thiếp sống làm chi.
Rồi Ngu Cơ lấy gươm tự vẫn để "tránh làm vướng bận" Hạng Vũ. Hạng Vương thấy Ngu Cơ chết, khóc chảy nước mắt, tả hữu đều khóc, không ai có thể ngẩng lên nhìn.

Tương truyền nơi máu bà đổ xuống mọc lên một thứ cỏ hễ có rót rượu gần bên thì cỏ múa lả lướt như Ngu Cơ trong tiệc rượu của Hạng Vũ. Người ta gọi cỏ ấy là "Ngu mỹ nhân thảo". Lại có thuyết cho rằng hương hồn bà không tan, hóa thành 2 khóm cỏ trên mộ, ngày đêm cứ quấn quít vào nhau, người ta gọi là Cỏ ngu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét