Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Ăn tết với bà con các dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh





Đồng bào Sán Chỉ, xã Đại Dực (Tiên Yên) thi gói bánh trong Ngày hội văn hóa, tổ chức đầu năm 2006.

 Ảnh: Trần MinhCác dân tộc Tày, Nùng, Dao Thanh Y, Dao Than
h Phán, Sán Chỉ, Cao Lan, Sán Dìu, Hoa... ở Quảng Ninh có nhiều ngày tết trong năm. Sau Tết Nguyên đán là tết Hàn thực (mồng Ba tháng Ba), tết Đoan Ngọ (mồng Năm Tháng Năm), tết Trung nguyên (rằm Tháng Bảy), tết Trung thu (rằm Tháng Tám), tết Trùng thập (mồng Mười Tháng Mười). Ngoài ra, ngày Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), ngày Thanh Minh (trong Tháng Ba), ngày cúng ông Táo (23 Tháng Chạp), nhà nhà đều sắp đồ cúng, trong đó có món xôi và rất nhiều loại bánh.

Trong các loại xôi, đặc sắc nhất là xôi năm màu (ửng shệch phàn). Phải là năm, chứ không được bốn hoặc sáu (có người giải thích đó là 5 “khí”, “chất” của trời đất: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Một lần đi điền dã vùng người Dao Thanh Y ở Đầm Hà, tôi lại nghe một cụ già giảng giải, đó là ngũ đại, năm đời. Con cháu phải nhớ cúng giỗ năm đời và trong nội tộc năm đời không thể có quan hệ hôn thú...). 

Xôi năm màu vẫn là loại nếp nương thơm lừng, trước khi đồ gạo nếp được ngâm trong các màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen rồi vớt ra cho mỗi màu một lớp trong chõ, ngăn cách bằng lá chuối xé rách cho hơi nóng tỏa đều. Các màu lấy từ nhiều loại lá rừng, đều là những dược liệu được truyền lại từ nhiều đời, vừa không độc vừa có mùi thơm ngon. 

Màu đỏ lấy từ lá hung lam (người Việt gọi là cây cơm lông) hoặc lá bơ poong (tiếng Dao), màu tím dùng lá bớ cắm, màu đen dùng lá sau sau (cây sâu cước), màu xanh dùng lá mây, màu vàng dùng quả dành dành hoặc củ Nghệ. Xôi chín được đơm trong khuôn gói bánh chưng. Nâng khuôn cao dần, hết màu này đến mầu khác. Cũng có thể đóng thành năm khuôn oản bày trong đĩa như hình một bông hoa. Không chỉ đẹp và thơm ngon với nhiều mùi vị của núi rừng mà đĩa xôi, khuôn Xôi năm màu còn tiềm ẩn những gì thiêng liêng trong tâm linh nên được mọi người rất trân trọng...

Bà con các các dân tộc thiểu số thường náo nức làm nhiều loại bánh trong dịp tết. Từ bột ngô có thể làm ra nhiều loại bánh tương tự như bánh khảo. Từ bột sắn, có thể làm ra bánh viên bột, bánh cuộn thừng, bánh quai, bánh giầy đậu... Nhưng nhiều nhất vẫn là các loại bánh làm từ gạo nếp và bột nếp. Trong đó, loại bánh không thể thiếu được là bánh chưng và bánh Coóc Mò. 

Bánh chưng thường được gói tròn như khúc giò (bánh tày), chỉ có một chút khác là bà con thường trộn nhân bánh với nước lá hung lam, khi cắt ra khoanh bánh có màu đỏ ở giữa, như hình một bông hoa. Bánh Coóc Mò (có thể gọi là bánh sừng bò), hình chóp nhọn (coóc mò lỉm) cũng gói bằng gạo nếp nhân đỗ xanh và thịt, chỉ khác là gói bằng lá ỏng hay lá chít (xếp một hai chiếc lá khoanh lại thành hình cái phễu rồi cho gạo và nhân gói lại. Bánh Coóc Mò luộc chóng chín, nhỏ, gọn, trẻ con rất thích.

Cũng là bánh chưng nhưng nhiều gia đình ở Bình Liêu còn làm một cặp bánh đặc biệt được gọi là bánh bố và bánh mẹ (kèm po, kèm me). Bánh bố gói dài, nhân bánh là nguyên một con cá đã nướng chín, thường là cá nhòng suối (cá mình tròn vẩy trắng nhỏ hơi giống cá rói, cá trôi ở nước ngọt, cá đối ở nước mặn). Bánh mẹ gói tròn, nhân là một quả trứng gà đã luộc chín bóc vỏ. Trên bàn thờ mỗi gia đình chỉ có một cặp bánh bố bánh mẹ được bày trân trọng đến sau Tết Nguyên tiêu. Như tên gọi, cặp bánh nhắc nhở và thể hiện tấm lòng của chủ nhân với cha mẹ, tổ tiên, nguồn cội. 

Theo HẢI CỪ - Báo Quảng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét