Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Nhạc sĩ Bảo Phúc: đi trong cõi hoa...ngày 1/6/2009 tin báo Tuổi trẻ


Sẽ không còn hình ảnh nhạc sĩ Bảo Phúc ngồi đệm piano và hát như thế này vào mỗi dịp tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Bình Quới - Ảnh: T.T.D.
Nhắc đến Bảo Phúc, công chúng mộ điệu sẽ nhớ ngay đến những tác phẩm: Gót hồng, Dòng sông không trở lại, Những nẻo đường phù sa, Nắng hồng soi mắt em, Ðể gió đưa vào lãng quên... Những bản tình ca của anh nhẹ nhàng lắng sâu vào lòng người, chậm rãi mà bền bỉ như phù sa. Nhiều trong số đó là những tác phẩm viết cho phim và từ phim đã đi vào đời sống, bắt đầu từ bộ phim Ngôi sao cô đơn hợp tác với đạo diễn Trần Cảnh Ðôn.
Người quan tâm đến chuyện đời nghệ sĩ sẽ nhớ anh vốn xuất thân từ dòng hoàng tộc nhưng lại không hề được sống trong nhung lụa mà trái lại đã trải qua những tháng ngày cơ cực tuổi thơ. Người nhạc sĩ tài hoa đã có 52 năm đầy thăng trầm như những dòng sông khi nước ròng, nước lớn...
Bảo Phúc là một tài năng hiếm có, không chỉ trong một lĩnh vực. Anh từng là một họa sĩ nhí đầy triển vọng trước khi bị tai nạn. Bên cạnh công việc sáng tác, anh nổi danh là một nhạc sĩ hòa âm với khả năng làm việc bền bỉ, tốc độ và luôn đầy trách nhiệm. Chọn ngành hòa âm từ thuở nó vẫn còn là một cái gì mới mẻ, xa lạ với các tác giả Việt, anh muốn khai phá đến tận cùng trên mảnh đất ấy, bởi như anh nói hòa âm là không gian sáng tạo vô hạn cho những cảm xúc nội tâm.
Khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ cho phép anh thể hiện mọi sắc thái âm nhạc trên một bản tổng phổ. Ðể bảo đảm rằng tác phẩm cuối cùng được chuyển đến cho khán giả là sản phẩm hoàn chỉnh nhất, anh tự tìm đến những buổi tập trước các live show, trò chuyện với đồng nghiệp lý do vì sao anh hòa âm như thế và tác phẩm nên được trình tấu ra sao. Thay vì đọc kịch bản để viết nhạc cho phim, anh đến trường quay để cảm nhận không khí, cảm nhận những cảm xúc nơi diễn viên để bản nhạc không trở nên lạc lõng hay chỉ là một bài hát minh họa.
Ðêm nhạc Ngồi bên hiên nhà tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Bảo Phúc ngồi đơn độc trên sân khấu bên cây đàn piano. Khi anh dạo những ngón tay lả lướt lên phím đàn và hát lời ca khúc Hành hương trên đỉnh núi “Người đi hành hương, về miền núi xa...”, nhiều khán giả rưng rưng... Có một sự đồng cảm kỳ lạ giữa hai người nhạc sĩ tài hoa này, cả cái cách dự cảm một sự ra đi thanh thản.
Hai biến cố được xem là dấu mốc cuộc đời Bảo Phúc là tai nạn ngã lầu khi anh lên 10 và cơn xuất huyết não năm 2005. Cả hai đều đẩy anh vào cảnh tuyệt vọng để ngay sau đấy người ta lại thấy một Bảo Phúc trở lại với đời, mạnh mẽ và nhiệt huyết khi anh đã thấu triệt cái lẽ thường tình “phúc họa tùy duyên”. Anh vẫn đều đặn tập luyện Bát đoạn cẩm (bài khí công được Trịnh Công Long, em nuôi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, truyền thụ), đều đặn đạp xe mỗi ngày để dưỡng sức, song cũng tụ họp bè bạn đều đặn bên chén rượu bởi như cố nhạc sĩ Từ Huy từng nói: “Ðời không có bạn sẽ thật là buồn”.
Vài năm trở lại đây, khi “những hạt giống tiềm tàng đã nảy mầm”, Bảo Phúc tìm đến với Phật pháp, thực hành thiền giúp tâm hồn thanh tĩnh. Anh đã sống, đã cống hiến cho đời những bài ca, đã chân thành với bè bạn, đã hát cho khán giả của mình bằng một trái tim yêu thương và một kiến thức sâu rộng. Có lẽ anh cũng đã mãn nguyện với những gì mình đạt được.
Như niềm an lạc của anh khi hát “Ði trong cõi hoa thơm ngát hồn” (Cõi hoa). Cõi hoa còn đó, anh ra đi, còn lại là sự tiếc thương của bạn yêu nhạc cho một “thần đồng nhạc - họa”, một ông “vua nhạc cụ”, “một giọng ca truyền cảm”, “tay piano cự phách” của làng văn nghệ VN... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét