Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Từ hô bài chòi đến chơi lô tô




XUÂN 09 DNSGCT - Trong tâm tưởng người Việt, Tết Nguyên đán là mốc thời gian đánh dấu sự chuyển giao giữa cũ và mới, là thời điểm để đoàn tụ gia đình, để nghỉ ngơi và giải trí. Vì vậy Tết cổ truyền cũng là thời điểm mở màn những lễ hội truyền thống diễn ra trên mọi miền đất nước, đặc biệt là những trò chơi dân gian vô cùng phong phú mà mỗi địa phương đều có những nét độc đáo và đặc sắc riêng.
Từ hô bài chòi…

Trong số rất nhiều trò tiêu khiển thì chơi “bài chòi”, rất phổ biến ở các tỉnh miền Trung, là hình thức giải trí nhẹ nhàng đầy thi vị. Đặc biệt ở Bình Định, nơi được coi là cái nôi của trò chơi lý thú này, bắt đầu khai hội Bài chòi từ sáng mùng 1 Tết và kéo dài tới ngày Khai Hạ mùng 7, thậm chí đến hết tháng Giêng. 

Thông thường người ta dựng 10 chòi theo kiểu nhà sàn lợp bằng tre lá tại các điểm rộng rãi như sân đình, chùa hay sân chợ. Mỗi chòi có trải một chiếc chiếu hoa và đặt một cái mõ. Người tham gia có thể rủ bạn bè hay người thân cùng ngồi trong chòi với mình. Đáng nói là bên ngoài nhiều người nô nức kéo đến xem đông hơn người chơi bài, cho thấy trò chơi mang tính chất hội hè giải trí hơn là sát phạt. 
Riêng chòi ở giữa, còn gọi là chòi trung, thì không có sàn, bốn bề đều trống để mọi người có thể nhìn thấy từng hành động của người hô bài đứng dưới đất, được gọi là anh “hiệu”. Đối diện với chòi trung là sạp tre để cho các hương chức, bô lão trong làng vừa ngồi uống trà rượu vừa thưởng thức cuộc chơi, đồng thời cũng là nơi dành cho dàn nhạc gồm đờn cò, kèn, sanh và trống chiến. 
Cuộc chơi bắt đầu, trống chầu gióng lên ba tiếng, dàn nhạc phụ họa theo giục giã mọi người mau chóng yên vị. Người chạy bài bưng khay đến từng chòi thu tiền và phát cho mỗi chòi ba lá bài. Các lá bài có chiều dài bảy phân rưỡi và hai phân rưỡi bề ngang, trên có hình ảnh vẽ bằng mực tàu lên giấy dó rồi cắt dán vào thẻ tre. Riêng người hiệu giữ nguyên một bộ bài gồm 30 thẻ mang những tên dung dị như Nhứt trò, Nhì nghèo, Ba bụng, Tứ tượng, Lục trạng… 
Nét độc đáo của trò chơi nằm ở việc xướng những câu thơ có nội dung tương ứng với tên gọi của mỗi lá bài được rút ra. Do vậy thành công của hội bài chòi tùy thuộc vào tài năng của anh hiệu, phải là người có thể ứng khẩu thành thơ, thuộc lòng rất nhiều tục ngữ, ca dao, bài vè tự sự về mọi cảnh đời, từ tình yêu trai gái đến những khúc mắc nhân tình thế thái. 
Khi bài đã phát xong, ba tiếng trống lệnh vang lên, anh hiệu mặc áo dài đen, đội khăn đóng, thắt dây lưng đỏ, có khi đánh phấn tô son như đào kép. Hai tay cầm ống đựng thẻ làm bằng khúc tre rỗng ruột, anh hiệu xóc mạnh nhiều lần và rút ra một thẻ. Ai nấy hồi hộp chờ đợi nghe xướng tên con bài. Ví dụ khi rút ra lá bài Nhứt trò (có hình một học trò), anh hiệu cất tiếng ngâm nga:
Đi đâu cắp sách đi hoài / Cử nhân chẳng thấy tú tài cũng không / Nhứt trò… huớ là… Nhứt trò. 
Ai có quân bài Nhứt trò thì đánh ba tiếng mõ, người chạy bài sẽ mang một cây cờ xéo đến cắm vào chòi đó và nhận lại lá bài. Cuộc chơi tiếp tục, mọi người thả trí tượng tượng và niềm hy vọng theo từng câu thơ du dương, chẳng hạn:
Lấy chồng từ thuở mười lăm / Chồng chê em bé không nằm với em / Đến khi mười tám đôi mươi / Em nằm dưới đất chồng lôi lên giường / Lên giường anh nói anh thương / Một anh thương, hai anh thương, ba anh thương / Anh thương chi hung rứa / Cho bốn cái cẳng giường nó rung rinh: Tứ cẳng… huớ là… Tứ cẳng.
Khách chơi nếu thuộc nhiều câu thơ, bài vè sẽ càng hào hứng vì có thể đoán được tên lá bài khi anh hiệu chưa dứt câu. Điều thú vị là anh hiệu luôn thay đổi nội dung câu thơ, chẳng hạn như ở ván sau khi rút ra lá bài Tứ cẳng thì anh lại hô:
Một hai bậu nói rằng không / Dấu chân ai đứng bờ sông hai người: Tứ cẳng… huớ là… Tứ cẳng.
Sau mỗi câu hô đều có trống kèn phụ họa, khi rộn ràng khi réo rắt làm tăng phần hấp dẫn cho cuộc chơi xuân:
Chồng nằm chính giữa, hai vợ hai bên / Lấy chiếu đắp lên, hô là ba bụng: Ba bụng… huớ là… Ba bụng. 
Chòi nào có được ba cờ xéo thì đánh một hồi mõ dài báo hiệu mình đã “tới” (thắng cuộc), người chạy bài sẽ mang lại một lá cờ vuông thay cho ba cờ xéo được thu về. Người tới ván đó được thưởng tiền hoặc hiện vật có giá trị bằng khoản tiền mua vé của một chòi. 
Dứt xong ván đầu là tiếp tục chuyển qua ván khác. Trường hợp chòi nào được liên tiếp ba cờ vuông thì đánh ba hồi mõ dài báo tin, sẽ nhận thêm phần thưởng có giá trị về văn học, chẳng hạn một chữ đại hoành phi như Phúc, Lộc, Thọ, hoặc Đại cát, Đại hỷ hay một câu đối.
Sau tám ván là kết thúc một hội (tuy chín chòi đóng tiền nhưng chỉ chơi tám ván với tám phần thưởng, khoản tiền còn lại để chi phí cho việc tổ chức).
Xong một hội, ban tổ chức bán vé tiếp cho hội sau. Cứ thế, cuộc chơi kéo dài từ sáng tới khuya trong tiếng trống tiếng đờn cùng những lời hô vang hào hứng, sôi động cả góc làng. 
…Đến chơi lô tô 
Lô tô là trò chơi phổ biến ở miền Nam vào những dịp tết. Cũng như tính cách xuề xòa của người dân Nam bộ, cuộc chơi lô tô đơn giản hơn nhiều so với chơi bài chòi, có thể diễn ra trên nền đất tại bất cứ nơi nào, ở một góc chợ hay hàng hiên trước nhà.
Khi tham dự trò chơi này, mỗi người bỏ tiền ra mua bảng lô tô là một tấm bìa cứng trên đó có in bốn hàng số theo chiều ngang, mỗi hàng có năm ô, mỗi ô ghi một con số khác nhau và không theo thứ tự.
Giống như anh hiệu của bài chòi, người hô lô tô phải thuộc nhiều câu vè có vần có điệu để lôi cuốn người chơi. Mở đầu, anh cầm túi vải đựng những con cờ bằng gỗ tròn có khắc số và cất tiếng ngâm:
Đi đâu mà vội mà vàng / Dừng chân ghé lại gian hàng lô tô / Lô tô lô tô, quý thầy quý cô / Đừng bận tâm suy nghĩ, hãy nghe cho kỹ (nè).
Anh thọc tay vào túi vải xóc các con cờ rồi rút ra một con và hô với giọng nhịp nhàng:
Bây giờ bà con ơi, lẳng lặng mà nghe / Tôi móc con cờ ra, ra là ra con mấy?
Mọi người hồi hộp chờ đợi xem tờ lô tô của mình có con số đó hay không. Anh này vẫn thong thả ngâm nga:
Nước chảy bon bon / Con vượn (nó) bồng con / Lên non (rồi) hái trái / (Chớ) anh cảm thương nàng / Phận gái (mà) mồ côi: là con số một (ôi).
Ai có số 1 thì lấy một viên sỏi, hột me hay một đồng xu đặt lên trên bảng lô tô của mình. Rồi nghe tiếp:
Tôi lại móc con cờ ra / Ra là ra con mấy / Con năm... là năm gì ra.
Những người có con 5 lật đật lấy hột me đặt lên, thế nhưng chưa đâu:
Na tra lóc thịt / Trả hiếu cho cha / Nhờ thầy hóa ra / Bông sen (mà) hỏa cốt: năm là năm mươi mốt.
Rồi tôi móc con cờ ra, con bốn gì đây…
Mọi người rút kinh nghiệm, kiên nhẫn chờ nghe tiếp: 
Nước chảy mây bay, đã bao thế kỷ / Những người tri kỷ, hỏi được mấy ai: là con bốn mươi hai. 
Liếc thấy cô thiếu nữ má hồng hây hây ngồi bên dưới, anh lém lỉnh hô: 
Trúc xinh trúc mọc bờ ao / Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh / Trúc xinh trúc mọc đầu đình / Em xinh em đứng… dưới sình cũng xinh: là con mười chín.
Hễ ai có đủ năm con số theo hàng ngang thì hô lớn “Kinh” và thắng ván đó, gom hết tiền mọi người đã đóng khi mua bảng lô tô (có trừ tiền “xâu” cho người hô lô tô). 
Rõ ràng, chúng ta thấy hai trò chơi trên đây không chỉ là môn giải trí đơn thuần mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân Việt, qua đó góp phần lưu truyền và gìn giữ những tục ngữ, ca dao, bài vè - được xem là những di sản văn học dân gian của dân tộc - khỏi bị mai một.
Bây giờ thì đến lượt tôi hô đây, các bạn chú ý nghe nhé:
Xuân mới đầu năm, chúc bạn xa gần / Luôn vui hạnh phúc, và còn thêm chúc / Phước lộc an khang, thành công huy hoàng / Ước gì được nấy, suốt trọn cả năm…
Các bạn hãy đoán xem, đó là con mấy?
Theo GS.TS. TRẦN VĂN KHÊ
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét