Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Các Dân Tộc Vùng Núi Tây Bắc


Khi người Kinh gọi là Tết Nguyên đán thì người H’Mông gọi là NaoX-Cha và người Thái ở Lai Châu gọi là Nen-Bươn-Tiền. Đêm giao thừa của Tết Nguyên đán là 30 tháng Chạp và khi đó tất cả cửa hàng đều đóng cửa để đón Tết thì 25 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng, lớn nhất trong năm của người Thái. Tất cả làm nên một Việt Nam với nền văn hóa bản sắc, đa dạng.


1. Tết của người H’Mông
Người H’Mông có một hệ lịch riêng và đón Tết vào cuối tháng một, đầu tháng Chạp âm lịch (30/11 âm lịch). Tuy nhiên ngày nay, đa số người H’Mông cũng đón Tết cùng thời gian với người Kinh nhưng kéo dài khoảng 2 tuần với rất nhiều các hoạt động mang tính cộng đồng, vui chơi ca hát như: chơi cù, ném pao, bắn nỏ, đua ngựa, múa khèn…
Khác với truyền thống của các dân tộc khác, người H’Mông không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng Một mới là mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu.
Tối hoặc nửa đêm 30, người ta cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà còn sống (và phải là gà trống, mà tốt nhất là gà trống tơ). Sau đó mới mang lợn và gà ấy đi giết thịt (nhà nào giàu có thì thịt một con lợn từ 28, 29 để ăn trước). Thịt xong đem cúng một mâm thịt chín, rồi ăn cơm uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên.
Tết của người H’Mông cũng có một vài tục lệ gần giống người Kinh như: Không quét rác, đổ rác ra ngoài nhà trong 3 ngày đầu năm (người Kinh là trong ngày mồng 1), trang trí nhà cửa sặc sỡ, mừng tuổi trẻ nhỏ.
Tuy nhiên người H’Mông cũng có tục lệ độc đáo khác là: Các bữa ăn trong 3 ngày Tết đều không được có rau mà chỉ có thịt lợn, thịt gà. Ngày mồng một, phụ nữ không được cầm kim chỉ, con gái không phải làm việc gì trong 3 ngày tết, chỉ đi chơi, đi hát văn nghệ trong các lễ hội.
2. Tết của người Tày
Tết của người Tày bắt đầu vào 30 và kết thúc (lễ tạ tổ tiên) vào khoảng sáng mùng 3, tuy vậy cũng như nhiều dân tộc, thường họ chơi dài đến hết cả tháng giêng. Mùng 7 họ ra đồng làm một chút, mang tính hình thức là chính. Đến ngày 15, họ ăn Tết lại, gần giống như ăn rằm tháng Giêng của người Việt, nhưng người Tày thì gọi là ăn Tết lại.
Người Tày làm bánh chưng dài. Ngày 27 hay 28, các gia đình đã thịt lợn, gói bánh... Bàn thờ được lau chùi, người ta buộc bốn cây mía vào bốn góc chân bàn thờ, quan niệm đó là cái gậy để tổ tiên chống. Tối 30, vừa tiếp bạn bè đến chơi, phụ nữ trong nhà vừa làm bỏng, chè lam, bánh khảo. Để làm bỏng, người ta phải đồ xôi lên từ mấy ngày trước, để khô rồi trộn cám vào cho hạt gạo xôi tơi ra, tiếp đó phun ít rượu rồi rang lên, đến tối hôm tất niên chỉ đem ra nấu với mật, rồi đổ ra khay, cắt miếng...
Mọi sự thăm thú kết thúc trước 12h đêm 30, sau đó ai về nhà nấy. Trẻ con phải thức trực tuổi cả đêm. Người Tày kiêng sáng mùng Một có người bất kỳ vào nhà. Họ chọn mời người xông nhà là người có đạo đức trong bản, người có phúc lớn, kị nhất là người có tang hoặc bị ma gà ám...
Đàn ông Tày mùng Một chơi cha (tức bố mẹ vợ), mùng ba chơi thầy (thầy cúng). Một số trò chơi cũng được phát động trong Tết mà phổ biến nhất là tung còn. Ra xuân, người Tày còn có hội lồng tồng (xuống đồng).
3. Tục gọi hồn người chết của dân tộc Thái vào Tết
Thông thường ngày 25 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng, lớn nhất trong năm của người Thái. Sau vài ngày dọn dẹp nhà cửa, tối 29 người Thái bắt đầu gói bánh chưng. Ngoài bánh chưng như của người Kinh, người Thái còn có thêm một loại bánh chưng màu đen.
Để làm bánh chưng, họ đốt rơm, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ được màu đen. Sau lễ cúng Giao thừa tối ngày 30, mọi người uống rượu suốt đêm và canh cho nhang khói trên bàn thờ tổ tiên cháy liên tục. Nhà nào có chiêng, cồng thì mang ra gõ tại nhà.
Một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của người Thái là tục gọi hồn. Thường vào tối 29 hoặc 30, mỗi gia đình thịt hai con gà, một để cúng tổ tiên, một để gọi hồn cho mọi người trong nhà.
Đầu tiên, người cúng (thường là thầy cúng) lấy một cái áo của mỗi người trong gia đình, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay cầm một cây củi đang cháy, mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà.
Người Thái ở Sơn La và Lai Châu đón tết hầu như suốt cả mùa, gọi là mùa Tết. Ðầu tiên là tết Soong Sịp (tết cơm mới) sau khi lúa ở ngoài đồng đã chín vàng họ giết trâu, mổ lợn, lấy lúa mới đồ xôi nếp để cúng lễ. Mọi nhà đều tổ chức ăn uống vui vẻ. Sau tết Soong Síp là tết Kim Lao Mao (tết uống rượu), tết ông Táo và lớn nhất là tết Nen-Bươn-Tiền (tết Nguyên đán).
Vào ngày đầu năm, họ không quên đem dao, rựa vừa đi ra đường vừa phát quang để thông thoáng cho năm mới. Vui nhất là các hội Xoè Thái nổi tiếng, tha hồ vui chơi cho đến rằm tháng giêng mới mãn.
Quỳnh Anh tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét