Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Lã Hậu


 

Lã hậu
 hay Lữ hậu (chữ Hán呂后, tự: Nga Phủ; 241 – 180 TCN, người Đan Phụ (nay là huyện Đan tỉnh Sơn Đông) là hoàng hậu đầu tiên đời nhà Hán - vợ Hán Cao Tổ Lưu Bang. Lã hậu có tên Lã Trĩ (呂雉), sinh ra Hán Huệ Đế và công chúa Lỗ Nguyên.
Gia Thế:
Cha Lã Trĩ là Lã Công, người ở Đan Phụ. Thời Tần, Lã Công đến huyện Bái[2] để tránh bị trả thù. Tại đây Lã Công gặp Lưu Bang – lúc đó mới làm chức đình trưởng. Lã Công cho rằng Lưu Bang sẽ làm nên nghiệp lớn, bèn gả bà cho Lưu Bang. Bà kém Lưu Bang 15 tuổi. Bà sinh được 1 con gái và 1 con trai tên là Lưu Doanh.
Con tin ở Tây Sở:
Lưu Bang khởi nghĩa chống nhà Tần, sau đó cùng Hạng Vũtranh giành thiên hạ. Hai người anh bà là Lã Trạch, Lã Thích đều làm tướng dưới quyền Lưu Bang, theo Lưu Bang đi đánh dẹp. Anh cả bà là Lã Trạch tử trận, hai người con là Lã Đài, Lã Sản đều được phong tước hầu.
Năm 205 TCN, Lưu Bang nhân lúc Hạng Vũ sa lầy chiến tranh ở Tề, bèn cùng các chư hầu tiến vào đánh chiếm kinh đô Tây Sở là Bành Thành. Do có nhiều chư hầu quy phục, thanh thế rất lớn nên Lưu Bang chủ quan, bị Hạng Vũ mang 3 vạn quân về đánh cho đại bại. Lưu Bang vội vã bỏ chạy. Lã Trĩ cùng cha chồng là Lưu Công bị quân Tây Sở bắt được.
Hạng Vũ bắt được hai người, sai giam lại làm con tin. Lúc đó Lã Trĩ vẫn có người xá nhân của Lưu Bang bị lạc lại là Thẩm Tự Cơ theo hầu hạ[3].
Lã Trĩ và cha chồng bị giữ ở Tây Sở 2 năm. Năm 203 TCN, Lưu Bang và Hạng Vũ giảng hòa, giao ước lấy Hồng Câu làm ranh giới; Hạng Vũ bèn tha cho Lưu Công và Lã Trĩ về với Hán vương Lưu Bang.
Năm sau (202 TCN), Lưu Bang hợp sức với các chư hầu diệt được Hạng Vũ, làm chủ cả thiên hạ.

Giết công thần

Trước khi lấy Lã Trĩ, Lưu Bang đã lấy vợ và sinh được con trai lớn Lưu Phì. Vì Lã Trĩ là vợ đích, nên khi Lưu Bang lên ngôi hoàng đế, bà được lập làm hoàng hậu, Lưu Doanh con bà được lập làm thái tử.
Trong số nhiều công thần bị Hán Cao Tổ trừ khử để phong cho các con mình thay thế làm chư hầu, Lã Hậu tham gia trực tiếp vào 2 vụ.
Năm 197 TCN, Trần Hy làm phản ở đất Đại. Lưu Bang triệu tập Lương vương Bành Việt đến hội quân để đánh Hy, nhưng Bành Việt cáo ốm không đi, chỉ cho bộ tướng đi thay. Lưu Bang bèn sai sứ bất ngờ đến bắt Việt giải về Lạc Dương. Lưu Bang nghĩ Việt có công lao nên không giết mà chỉ đày vào huyện Thanh Y đất Thục.
Đúng lúc Lã hậu từ Tràng An ra Lạc Dương thì gặp Bành Việt ở đất Trịnh. Bành Việt đến xin gặp Lã hậu để kêu oan, nhờ bà nói với Hán Cao Tổ tha tội, xin được về quê Xương Ấp. Lã hậu nhận lời, nhưng khi trở về Lạc Dương bà lại khuyên Lưu Bang rằng:
Bành Việt là dũng tướng, nếu thả vào đất Thục mà dấy quân làm phản thì để ẩn hoạ cho mình, chi bằng giết luôn để trừ hậu hoạ.
Lưu Bang nghe theo. Lã hậu bèn sai một môn khách của Bành Việt đứng ra tố cáo rằng: Bành Việt muốn xin về Xương Ấp thực chất là để làm phản[4]. Lưu Bang và Lã hậu cứ theo đó, sai Đình uý Điền Khai làm án, lệnh giết cả họ Bành Việt.
Danh tướng Hàn Tín có công lao lớn nhất trong các công thần mà Lưu Bang rất đề phòng trong nhiều năm, đã lừa bắt về kinh đô nhưng vẫn lo ngại. Cùng trong vụ Trần Hy làm phản, trong khi Lưu Bang mang quân đi dẹp thì Lã Hậu cầm quyền ở kinh đô sai thừa tướng Tiêu Hà đến gặp Hàn Tín dụ rằng:
Trần Hy đã chết, các chư hầu, các quan đều đến mừng. Tuy ngài ốm, cũng xin cố gắng vào mừng.
Hàn Tín theo Tiêu Hà vào cung, Lã Hậu lập tức sai võ sĩ trói lại, kết tội Hàn Tín đồng mưu với Trần Hy làm phản và mang chém ở nhà treo chuông trong cung Trường Lạc. Sau đó bà giết cả ba họ nhà Hàn Tín. Sau này Lưu Bang đã dẹp xong quân của Trần Hy trở về kinh đô, nghe tin Hàn Tín chết vừa mừng vừa thương.

Giúp con giữ ngôi thái tử

Ngoài Lã Trĩ, Lưu Bang còn nhiều vợ khác, trong đó cóThích phu nhân rất được yêu, sinh được hoàng tử Như Ý. Lưu Doanh làm thái tử, có Thúc Tôn Thông[5] làm thái phó,Trương Lương làm thiếu phó giúp. Nhưng Cao Đế Lưu Bang sau thấy Lưu Như Ý thông minh hơn nên muốn bỏ Doanh để lập Như Ý.
Lã Hậu sợ, không biết làm thế nào. Có người nói với Lã Hậu nên hỏi Trương Lương. Lã Hậu bèn sai em là Lã Trạch đến nhờ. Ban đầu Trương Lương định từ chối, nhưng Lã Trạch cố nài nên Lương nhận lời. Nhờ Trương Lương giúp, Lưu Doanh mời được 4 hiền sĩ trong thiên hạ là Đông Viên Công, Gíac Lý tiên sinh, Ỷ Lý tiên sinh, Hạ Thạch Công mà trước đó chính Lưu Bang không sao mời nổi.
Lưu Bang bèn quyết định giữ ngôi thái tử của Lưu Doanh. Như Ý được phong làm Triệu vương[6].
Năm 195 TCN, Lưu Bang mất, Lưu Doanh lên nối ngôi, tức là Hán Huệ Đế.

Trả thù tình địch

Tuy Huệ Đế làm vua nhưng việc điều hành triều đình do Lã thái hậu quyết định. Huệ đế thực chất không có quyền hành.
Lã thái hậu ép Huệ đế lấy cháu gái Trương Yên - con của công chúa Lỗ Nguyên và Triệu vương cũ Trương Ngao (đã bị truất làm Tuyên Bình hầu), vốn còn rất nhỏ tuổi, và là cháu ruột gọi bằng cậu, làm hoàng hậu.
Vì oán giận Thích phu nhân và người con của phu nhân là Triệu vương Như Ý, bà sai giam Thích phu nhân ở cung Vĩnh Hạng và gọi Như Ý đến. Huệ Đế thương em, biết mẹ giận, nên thân hành đón Như Ý ở Bá Thượng, rồi luôn luôn kèm lúc Như Ý đi đứng, ăn uống. Lã thái hậu muốn giết Như Ý nhưng không có dịp nào.
Tháng 12 năm 194 TCN, Huệ đế buổi sớm ra đi săn bắn. Như Ý còn nhỏ, không thể dậy sớm. Thái hậu nghe tin Như Ý ở một mình, bèn sai người mang thuốc độc đến cho Như Ý uống. Như Ý uống xong thì chết.
Để trả thù Thích phu nhân, Lã thái hậu bèn sai chặt chântay Thích phu nhân, móc mắt, đốt tai, cho uống thuốc thành câm, cho ở trong nhà tiêu gọi đó là "con người lợn". Sau mấy hôm, thái hậu cho gọi Huệ Đế vào để xem "con người lợn". Huệ Đế thấy, ngạc nhiên bèn hỏi, biết đó là Thích phu nhân, liền khóc rống lên. Huệ Đế đau lòng quá, mắc bệnh, sai người nói với thái hậu:
Việc đó không phải là việc con người làm! Tôi là con của thái hậu, không thể nào trị thiên hạ được!
Huệ Đế bất lực trước sự độc ác của mẹ, không có cách nào ngăn cản được, vì thế ngày đêm uống rượu chơi bời dâm dật, không nghe chính sự, cho nên mắc bệnh.

 Không khóc con

Do bị mẹ áp chế không thể chống lại được, Huệ Đế buồn rầu sinh bệnh rồi mất sớm năm 188 TCN, khi mới 22 tuổi.
Vua con qua đời, Lã Thái hậu khóc nhưng không chảy nước mắt. Người con của Trương Lương là Trương Tích Cương làm thị trung, mới 15 tuổi, nói với thừa tướng Trần Bình:
Thái hậu chỉ có một mình hoàng đế. Nay hoàng đế mất, thái hậu khóc lại không đau xót, ngài có biết tại sao không?
Trần Bình hỏi vì sao, Tích Cương nói:
Hoàng đế không có con lớn tuổi để kế nghiệp. Thái hậu sợ bọn các ông nổi loạn. Nay ông xin cho Lã Đài, Lã Sản, Lã Lộc[7] làm tướng, cầm quân giữ các đạo quân trong phía nam và phía bắc, cho những người con họ Lữ vào giữ các chức vụ trong cung. Làm như thế thì thái hậu sẽ yên tâm và bọn các ông may mà tránh khỏi tai họa.
Thừa tướng Trần Bình bèn làm theo kế của Tích Cương. Lã Thái hậu mừng rỡ, lúc ấy khóc mới thảm thiết.
Trương Yên, hoàng hậu của Huệ Đế (con công chúa Lỗ Nguyên) không có con. Theo Sử ký, Lã hậu mang một đứa trẻ giấu kín vào cung, giả cách rằng Trương Yên có chửa và đến ngày sinh ra đứa bé. Khi Huệ Đế mất, đứa trẻ được đưa lên ngôi, sử gọi là Thiếu Đế. Bà vẫn nắm quyền điều hành triều chính.

 Giết họ Lưu, phong họ Lã

Sau khi giết Triệu vương Như Ý, Lã thái hậu cho Hoài Dương vương Lưu Hữu làm Triệu vương thay Như Ý. Hai người con khác của Lưu Bang lần lượt thay Như Ý làm Triệu vương sau đó đều bị Lã hậu giết.
Lã thái hậu muốn phong cho con cháu họ Lã làm vương, bèn hỏi tướng Vương Lăng. Lăng thẳng thắn nói không được, vì điều đó trái ý của Cao Đế Lưu Bang. Bà bèn bãi chức Vương Lăng. Trần Bình và Chu Bột phải lựa ý bà, tỏ ra đồng tình việc phong vương họ Lã, bà mới bằng lòng.
Nhiều người con của Cao Đế Lưu Bang bị bà sát hại. Bà phong cho các cháu Lã Đài làm Lã vương, Lã Lộc làm Triệu vương, Lã Thông làm Yên vương. Nhiều con em họ Lã khác cũng được phong hầu.
Ngoài ra, bà còn cất nhắc tình nhân Thẩm Tự Cơ từng theo hầu hạ bà trước kia lên làm Tả thừa tướng. Tư Mã Thiên đã kín đáo chép về việc này trong Sử ký“Tả thừa tướng không làm việc, thường lo việc ở trong cung”. Tự Cơ được tin dùng, lũng đoạn triều Hán, nhiều quan lại muốn được việc phải nhờ cậy[8][9].

 Giết Thiếu đế

Thiếu đế lớn lên, nghe nói mẹ mình bị Lã thái hậu giết, còn mình không phải là con của hoàng hậu Trương Yên, bèn nói:
Hoàng hậu làm sao có thể giết mẹ ta mà gọi ta là con? Giờ ta còn bé, nếu ta trưởng thành thì sẽ thay đổi.
Lã thái hậu nghe nói rất lo lắng, sợ Thiếu đế chống lại mình, bèn giam Thiếu đế ở cung Vĩnh Hạng, nói rằng hoàng đế bị mắc bệnh nặng. Bà loan tin Thiếu đế bị bệnh nặng không làm vua được, nên lập người khác. Không ai dám ngăn cản, bà bèn sai giết Thiếu đế và lập một người con khác của Huệ đế là Thường Sơn vương Lưu Nghĩa (hay Lưu Hồng) làm vua, tiếp tục cầm quyền chính trong triều.

Bức thư của Mặc Đốn


Mặc Đốn, Thiền vu của Hung Nô
Hung Nô ở phương bắc khi đó thế lực rất mạnh và hay khiêu chiến với Trung Quốc. Lưu Bang khi còn sống từng giao chiến với Hung Nô và đã gặp nguy khốn ở Bình Thành.
Sang thời Lã hậu cầm quyền, Hung Nô tiếp tục quấy rối biên giới. Lúc đó vua Hung Nô là Mặc Đốn chết vợ, nghe tin Lã hậu nhiếp chính, bèn viết thư tỏ tình với lời lẽ trăng gió. Sách Hán thư đã ghi lại đoạn thư của Mặc Đốn mà Tư Mã Thiên nhận xét trong Sử ký là “lời lẽ bậy bạ” như sau
“Ông vua cô độc buồn rầu, sinh ra ở nơi đầm lầy, lớn lên ở nơi thảo dã bò ngựa, mấy lần đến biên giới muốn chơi Trung Quốc. Bệ hạ thì buồn bã một mình. Hai chúa không vui, không có gì để giải buồn. Xin lấy cái có để đổi lấy cái không”
Lã thái hậu đọc thư rất tức giận, định điều binh đánh Mặc Đốn. Các tướng can rằng:
Giỏi và vũ dũng như Cao Đế mà còn bị nguy khốn ở Bình Thành
Bà đành nén giận, giữ chính sách giảng hòa với Hung Nô để yên bờ cõi.

Qua đời

Tháng 7 âm lịch năm 180 TCN, Lã thái hậu mắc bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, bà phong cháu Lã Lộc làm thượng tướng quân thống lĩnh Bắc quân, cho Lã vương Sản làm tướng quốc thống lĩnh Nam quân, khống chế lực lượng hộ vệ trong hoàng cung. Bà nói với con em họ Lã
Sau khi bình định thiên hạ, Cao Đế có giao ước với các quan đại thần: "Ai không phải họ Lưu mà làm vương thì thiên hạ cùng đánh nó". Nay họ Lã làm vương thì các quan đại thần không chịu. Nếu ta chết đi, hoàng đế còn ít tuổi, sợ các đại thần gây biến loạn. Hai ngươi phải cầm quân giữ lấy cung, chớ có đi theo đám tang, đừng để cho người nào áp chế mình.
Sắp đặt xong, bà qua đời, thọ 61 tuổi. Nhưng Lã Lộc và Lã Sản không phải là đối thủ của các đại thần khai quốc nhà Hán như Trần BìnhChu Bột. Hai người Trần, Chu đã làm binh biến giết hết các tướng họ Lã mà Lã hậu dựng lên để lấy lại thiên hạ cho họ Lưu.
Vì Lã hậu tàn ác, các tướng phế Lưu Nghĩa và bàn nhau rằng: nhà họ Bạc, mẹ Đại vương Lưu Hằng- con thứ 4 của Lưu Bang - là người hiền đức, nên lập Lưu Hằng làm vua. Do đó hoàng tử Lưu Hằng được lập làm người kế vị, tức làHán Văn Đế.
Đoạn kết Sử ký, Lã hậu bản kỷ ghi nhận: thời Lã hậu cầm quyền tuy có làm đảo lộn cung đình nhà Hán, giết hại các hoàng tử nhà Hán nhưng không làm xáo trộn đời sống xã hội, ít dùng hình phạt với dân chúng, thiên hạ được bình yên, nhân dân lo cày cấy, ăn mặc no đủ.
Theo wikipedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét