Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Nhạc sĩ Thanh Sơn


Thanh Sơn tên thật Lê Văn Thiện, sinh ngày 1 tháng 5 năm 1938. Ông được biết đến từ thập niên 1960 với những ca khúc trữ tình nói về tuổi học trò, khoảng thời gian sau, ông nổi tiếng là "nhạc sĩ của miền Tây" với những bài nhạc mang âm hưởng dân ca Nam bộ.
Sinh ra và lớn lên tại Sóc Trăng trong một gia đình ông 12 anh chị em, nhạc sĩ Thanh Sơn là người con thứ 10. Tuổi thơ của ông rất cơ cực vì phải theo gia đình dọn nhà di chuyển nhiều nơi. Chuyện học hành của ông vì thế dang dở. Những năm học tiểu học, ông được nhạc sĩ Võ Đức Phấn (em út của nhạc sĩ Võ Đức Thu nổi tiếng dạy đàn ở Sài Gòn những năm 1950 -1960) nhận ông làm học trò. Năm 1955, thầy Phấn qua đời, ông bắt đầu lên Sài Gòn theo học lớp nhạc của nhạc sĩ Lê Thương. Công việc của ông thời đó là chép và kẻ khung nhạc.
Năm 1959, ông đăng ký dự thi cuộc thi Tuyển chọn ca sĩ trẻ của Đài Phát thanh Sài Gòn với ca khúc Chiều tàn (Lam Phương). Thí sinh Lê Văn Thiện (sinh ngày 1-5-1938) với nghệ danh Thanh Sơn được công chúng biết đến. Giải thưởng ông nhận được là một chiếc radio và cây đàn guitare. Bắt đầu từ thành công đó, ông dấn thân vào nghiệp ca sĩ.
Những ca khúc về thời áo trắng.- Từ năm 1960 ông bắt đầu sáng tác. Ông chọn đề tài gần gũi với tuổi trẻ, để nhớ về thời áo trắng. Bài hát đầu tiên ông viết là "Tình học sinh". Sau khi được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ góp ý, hướng dẫn, ông gửi cho đài phát thanh và có rất nhiều ca sĩ hát ca khúc này trên sóng phát thanh thời ấy.
Nhạc sĩ Thanh Sơn cho biết, ông có hơn 200 bài hát ông viết về lứa tuổi học trò. Với ông, đó là thời gian rất đẹp. Nổi tiếng nhất trong đề tài áo trắng của ông là các ca khúc: Tình học sinh, Ba tháng tạ từ, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn và nổi tiếng nhất là Nỗi buồn hoa phượng.
Năm 1963, nhạc sĩ Thanh Sơn bắt đầu bỏ hẳn nghiệp ca hát để chuyển sang sáng tác. Ngày đó mỗi tháng đi làm, chỉ được lãnh 150 đồng. Nhưng tiền tác quyền của ông một tháng lên đến 6.000 đồng, giúp gia đình ông vượt qua nghèo khó. Ông nhờ vào tiền sáng tác mà mua nhà, mua xe, cưới vợ.
Năm 1965, ông viết ca khúc Nhật ký đời tôi, được ca sĩ Hoàng Oanh hát cho Hãng dĩa Việt Nam, tạo cơn lốc hâm mộ nơi công chúng có cùng nỗi lòng. Ông kể vợ ông không ghen khi nghe ông tự sự qua bài hát cuộc tình đã mất. Bởi, ông luôn thành thật, chẳng giấu giếm gì về những lời hẹn ước với những cuộc tình đã xa. Cái còn lại chính là sự chân thật của một con tim dễ rung động.
Năm 1973, nhận thấy âm hưởng dân ca Nam Bộ rất gần gũi với đời sống người lao động, dễ lan tỏa và sống mãi trong lòng người nghe, ông chuyển hướng sáng tác đề tài quê hương. Ca khúc ông viết đầu tiên về thể loại này là Ngợi ca quê hương. Từ đó đến nay, ông đã sáng tác hơn 200 ca khúc về đề tài quê hương, lấy chất liệu từ miền châu thổ sông Hậu và âm nhạc ngũ cung.
Bắt đầu từ thập niên 1990, những ca khúc mang âm hưởng dân ca của ông được đón nhận, gợi mở cho ông một hướng sáng tác mới đó là tiếp tục khai thác chất liệu dân ca Nam Bộ. Nhạc của ông lúc này chú trọng về ca từ, trong bài có nhiều âm sắc, phương ngữ đặc trưng Nam bộ. Nhiều bài hát trong giai đoạn này trở nên rất nổi tiếng như Hình bóng quê nhà, Hành trình trên đất phù sa, Bạc Liêu hoài cổ,...
Từ năm 2000 đến nay, ông làm phụ trách biên tập chương trình cho Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông.
Tối 15-6-2007, Nhà hát TPHCM đã tổ chức chương trình ca nhạc tôn vinh nhạc sĩ Thanh Sơn với chủ đề Nỗi buồn hoa phượng. Đêm nhạc kỷ niệm tuổi 69 của người nhạc sĩ đã có 47 năm sáng tác này có sự tham dự của những ca sĩ thành danh nhờ vào ca khúc của ông như Hương Lan, Giao Linh, Thái Châu...
Cho đến nay, qua nhiều giai đoạn, ông đã viết trên 500 bài hát với nhiều bài trở nên rất quen thuộc trong nền âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Thanh Sơn.
Nhạc sĩ Thanh Sơn.
Nói về ông, người ta nghĩ ngay đến những ca khúc viết về đề tài mùa hè - học sinh rất đặc trưng như "Nỗi buồn hoa phượng", "Lưu bút ngày xanh" đã làm xao xuyến bao thế hệ học sinh ở miền Nam trước 1975. Sau giải phóng, ông được coi là một trong những nhạc sĩ cũ hoạt động năng nổ nhất.
- Ông có thể kể đôi chút về mình?
- Tôi tên thật là Lê Văn Thiện, sinh năm 1938 tại Sóc Trăng. Từ hồi còn học tiểu học đã ưa thích ca hát, tuy nhiên vì gia đình che giấu cán bộ Việt Minh nên bị ruồng bỏ gắt gao, phải nay đây mai đó. Năm 19 tuổi, tôi phải đi ở đợ, lau nhà, giăng mùng, trải chiếu cho người khác...
- Sự kiện nào đã giúp ông đổi đời?
- Tuy phải đi làm thuê, làm mướn như vậy nhưng tôi vẫn rất thích ca hát. Dạo đó, Đài Phát thanh Sài Gòn vẫn tổ chức các cuộc thi tuyển lựa ca sĩ hàng năm. Tôi liều mạng đi thi, ai ngờ đoạt giải nhất (năm 1959). Tôi nhớ Ban giám khảo gồm các nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Võ Đức Thu, Nghiêm Phú Phi - Chánh chủ khảo là nhạc sĩ Thẩm Oánh. Tôi đổi nghề từ đó để đi hát trong ban nhạc Tiếng tơ đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng.
- Từ Thanh Sơn ca sĩ sang Thanh Sơn nhạc sĩ như thế nào?
- Về sáng tác thì tôi tự học, từ cuốn Để sáng tác một ca khúc phổ thông của Hoàng Thi Thơ, tôi mày mò sáng tác, được bài nào thì nhờ các ca sĩ đàn anh Hoàng Trọng, Nguyễn Hiền, Văn Phụng... xem xét, chỉnh lý lại giùm.
- Tại sao ông thích khai thác mảng mùa hè - học sinh?
- Do không được học hành tới nơi, tới chốn nên tôi luôn nuối tiếc, hoài niệm tuổi học trò. Bản nhạc đầu tay của tôi làTình học sinh (1962) chẳng được một ai lưu ý. Sang năm 1963, tôi viết Nỗi buồn hoa phượng, đi đâu cũng nghe người ta hát. Hứng chí, tôi viết một loạt bài về đề tài này trong nhiều năm: Ba tháng tạ từ, Màu áo hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn, Ve sầu mùa phượng... Ngoài đề tài học sinh, tôi còn sáng tác những nhạc phẩm trữ tình khác nhưNhật ký đời tôi, Trả lại thời gian, Mùa hoa anh đào...
- Những ca khúc ông viết sau ngày đất nước thống nhất thường mang âm hưởng nhạc đồng quê - dân ca Nam Bộ. Tại sao có sự chuyển hướng này?
- Quê gốc của tôi là Sóc Trăng, những câu hát điệu hò vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long đã thấm vào hồn tôi từ thuở thơ ấu nên trong tôi luôn tiềm ẩn những giai điệu đậm chất dân ca Nam Bộ. Tôi khởi sự sáng tác trở lại vào đầu thập niên 90, được công chúng đón nhận. Điều này gợi mở cho tôi hướng sáng tác là tiếp tục khai thác chất liệu dân ca Nam Bộ. Tôi chú trọng về ca từ, cố gắng đưa vào bài những âm sắc, phương ngữ đặc trưng của Nam Bộ.
- Công việc hiện nay của ông ra sao?
- Số tác phẩm tôi viết sau này nhiều gấp bội trước kia. Mười năm nay tôi phụ trách biên tập chương trình cho Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông. Cuộc sống nói chung là không có gì là tiếc, nhưng phải chi lúc này tôi đang ở độ tuổi 30 để tha hồ mà sáng tác thì tốt biết mấy.
(Theo Thanh Niên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét