Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Nhac sĩ _Nhà thơ chăn bò A khuê(Báo Lao Động )

Một giọt muộn mằn với A Khuê
Lao Động số 190 Ngày 25/08/2009 Cập nhật: 8:47 AM, 25/08/2009
Nhà thơ, nhạc sĩ A Khuê.
(LĐ) - Nhà thơ, nhạc sĩ A Khuê - người tài hoa của đất Tứ Kỳ (Hải Dương) sau bao năm phiêu bạt trong cõi tạm đã buông tay từ trần vào đêm 13.8.2009.
Tin nhà thơ - nhạc sĩ A Khuê tạ thế tại Bình Phước loang chậm về Hà Nội, còn chậm hơn đối với tôi vì đang chìm vào việc sửa nhà. Vậy là, người tài hoa của đất Tứ Kỳ (Hải Dương) sau bao năm phiêu bạt trong cõi tạm đã buông tay từ trần vào đêm 13.8.2009.

Ngày mới thống nhất đất nước, trong một đêm uống rượu với Vũ Hữu Định - tác giả "Còn một chút gì để nhớ" nổi tiếng (Phạm Duy phổ nhạc) - chúng tôi có nghe Định đọc câu thơ khi đã nồng nàn: "Giang hồ đâu có ai phong/ Mà nghĩ từ quan trở lại quê".

Hai câu thơ trong một bài thơ đã in tạp chí "Văn" 1966. Định nói đó là thơ tặng người bạn tên là A Khuê hiện sống ở Sóc Trăng, không biết mất - còn, sống - chết ra sao. Và dường như để khẳng định tầm vóc thi ca của bạn mình, Định lại ngâm nga tiếp: "Lùa đàn bò say/ Ngất ngưởng trong sương/ Ta phải ta hề/ Áo mát trần truồng...". Và nói to: "Thơ đấy. Thơ A Khuê đấy!".

Trong tôi, có cái tên A Khuê từ đấy. Thế nhưng, mãi tới cuối thập kỷ 90, tôi mới thực biết thơ A Khuê qua ca khúc "Về đây nghe em" do người bạn Trần Quang Lộc phổ nhạc và rất thịnh hành qua cuộc bình chọn 1998. Mộc mạc và chân phác, những câu thơ như chẳng cố làm dáng vẻ gì:

Về đây nghe em
Về  đây mặc áo the đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng lời ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Và về đây nghe lại tiếng nói
Thơ ấu khúc hát ban đầu...

A Khuê tên khai sinh là Hoàng Phúc, tuổi Mậu Tý -1948 . Anh là con trai nghệ sĩ violon Hoàng Liên nổi tiếng đất Tứ Kỳ. Sau 1954, ông Liên cùng nghệ sĩ Hoàng Yến phụ trách dàn kèn nhà thờ Quảng Ngãi. Đó là lý do A Khuê có một ấu thơ bên sông Trà thơ mộng và bắt đầu có những cảm xúc đầu đời bằng thơ.

Giai đoạn quan trọng, bước ngoặt cuộc đời từ khi Hoàng Phúc yêu cô gái tên Khuê. Khuê là tên người yêu. Còn A thì vì thích như người Thượng mang chữ A ở đầu tên. Đấy là những năm tháng cùng Trần Quang Lộc đi "hát dạo" kiếm ăn ở Đà Nẵng và khắp nơi:

Về đây nghe em
Thoả ước mơ đi hát dạo
Để đời đời làm giọt sương mai
Để chào đời bằng lòng mới lớn
Để hận thù người người lắng xuống
Và tìm nhau như tìm xót xa
Trong lúc lệ đã đầy vơi.

Bài thơ ra đời và được phổ nhạc vào thời điểm chiến tranh VN bước vào hồi khốc liệt nhất ở cả hai miền. Ước vọng lớn lao "Để hận thù người người lắng xuống/ Và tìm nhau như tìm xót xa" đã thành hiện thực của 10 năm sau.

Ước vọng thì đã thành hiện thực, nhưng đời sống gia đình đông con (A Khuê có 8 người con) của A Khuê thì không mấy được cải thiện. Tác giả của hai tập thơ "Vàng bay", "Lùa bò trong sương" đã trở thành người chăn bò thuê đích thực một thời gian khá dài. Ở Sóc Trăng 14 năm, về Đồng Nai 8 năm. Mãi đến 1998, cả nhà mới về sống ở một ngọn đồi cao thuộc thị xã Đồng Xoài (Bình Phước).

Cũng thời gian ấy, A Khuê bắt đầu tìm đến "hát thơ". Trong vài trăm ca khúc của chàng thi sĩ - nhạc sĩ nghèo, có "Tình thiên thu" đã được Trần Thu Hà thể hiện, "Viễn mông" do Tấn Minh thể hiện và 36 bài được FPT hợp đồng phát sóng trên kênh nhạc số. Có vẻ như bước tới vụ "hát thơ" này, tuổi lục tuần của A Khuê sẽ đỡ vất vả đôi chút. Nhưng bệnh đau tim đã đột ngột "điểm nhịp thu" đưa A Khuê vào cõi xa xăm.

Mới tháng trước, tôi còn ngồi với Hoàng Lương - em trai của A Khuê - trong liên hoan của Hội Nhạc sĩ VN ở Đà Nẵng. Vậy mà giờ đây lại là lời muộn mằn về một thi - nhạc sĩ trưởng thành từ Đà Nẵng, về một người ra đi mong "chở thật thà" đến với con người.
(Nguyễn Thụy Kha)
Gần như đứng ngoài danh vọng của làng văn nghệ, A Khuê mê mải trong những vần điệu thôn dã về một số kiếp long đong chỉ mong phút giây chan hòa thiên nhiên yên ả

Ra ngoài lối cỏ với cây
Chào chung vũ trụ một ngày thần tiên
Vào trong gió sớm bình yên
Nằm nghe sương hát dưới hiên thu vàng
Ra bờ sông cũ xuống ngàn
Nghe hiu quạnh đã vội vàng theo nhau
Chui vào bụi rậm rừng lau
Nhớ con chim nhỏ đã lâu không về”


A Khuê đã ngừng gót phiêu lãng qua cõi nhân sinh bậu bịu. Thôi, đành chào tiễn biệt ông, chào tiễn biệt một vẻ đẹp dung dị trước run rủi dân gian

Trong ta nguồn cội bình minh
Mở ra khép lại thình lình khổ đau
Chân bước tới hồn lùi sau
Dường như sương tuyết mái đầu bữa qua!
“Nghe hiu quạnh đã vội vàng theo nhau”, lethieunhon.com xin chân thành chia buồn cùng gia quyến, thân hữu của nhà thơ – nhạc sĩ A Khuê!


(Lê Thiếu Nhơn )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét