Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Các dân tộc Tây Nguyên đón tết





Tết của các dân tộc ở Tây Nguyên là Tết Cơm mới, Tết Bỏ mả, Tết Lúa, Tết Nước, Tết Lửa. Đó là những lễ hội sôi động, náo nhiệt nhất trong năm. 
Dưới đây là một số cái Tết đặc trưng của người dân tộc Tây Nguyên: 

Dân tộc Sêđăng: Tết Lửa và Tết Nước. Người Sêđăng (sống nhiều ở tỉnh Kon Tum) quan niệm có hai vị thần quan trọng nhất là Thần Nước và Thần Lửa. Đó là hai vị thần của mùa màng và sự sống. Tết Lửa thực ra là Tết Cơm mới, mừng mùa gặt mới. Tết Nước là lễ cúng Thần nước (Yang Dak) thường tổ chức vào tháng 3 dương lịch. 

Sau mùa gặt, người ta bắt đầu sửa sang máng nước, lau chùi các dụng cụ đựng nước, sau đó làm lễ “ cúng máng” trong từng gia đình và lễ chung cả buôn. Người ta mang nồi, thùng, quả bầu khô ra máng hoặc suối lấy nước mới, mời thầy về cúng, rồi tổ chức ăn, uống rượu cần, đánh cồng chiêng, ca hát, vui chơi suốt mấy ngày liền. 

Dân tộc Gia Rai: Tết Bỏ mả. Người Gia Rai sống nhiều nhất ở tỉnh Gia Lai. Lễ Bỏ mả của họ giống như tục tảo mộ tiết thanh minh của người Kinh ở dưới xuôi, là hình thức cúng viếng tổ tiên, tưởng niệm, sửa sang mồ mả những người thân đã mất. Trong những ngày Tết Bỏ mả, bà con trong buôn kéo nhau đến từng nhà để góp vui. 

Khi lễ Bỏ mả bắt đầu, ngoài nghĩa địa vang lên tiếng cồng, chiêng, thanh la, trống. Mọi người kéo nhau về bên các nhà mồ, trên tay cầm đuốc cháy rực. Trước nhà mồ, người ta cắm một cây nêu treo bằng những lá bùa xanh đỏ, ông thầy cúng hoặc gia chủ lầm rầm khán vái Giàng, mong linh hồn người chết về chung vui cùng người thân đang sống. ở khu nhà mồ, người ta tổ chức rượu cần, thịt, đốt lửa ăn uống, cồng chiêng, nhảy múa, vui chơi ca hát thâu đêm suốt sáng. 

Dân tộc Stiêng: Tết mừng lúa mới. Người Stiêng sống nhiều ở tỉnh Kon Tum. Ngày Tết Mừng lúa mới, nhà nào cũng sắm váy mới, áo mới cho thanh niên, phụ nữ ai cũng đeo bằng hết các trang sức mà mình có để khoe với mọi người trong buôn. Các gia đình đều có hàng chục ché rượu cần và cũng mổ trâu, bò, heo để thiết đãi bà con buôn làng. 
Trong Tết mừng lúa mới, buôn làng tổ chức lễ đâm trâu, cồng chiêng hò reo sôi động. Người Stiêng có tục lệ ngày Tết mừng lúa mới là lấy dây mây song đập nát trộn với đất, rồi đắp lên cơ thể mỗi người để nhắc nhở con cháu rằng thời tiền sử loài người sinh ra chỉ có thịt mà không có xương. Tết mừng lúa mới của người Stiêng kéo dài hai ba ngày. 
Dân tộc K"ho: Tết Nholir- Bông. Người K"ho sinh sống chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng. Tết Nholir-bông cũng là loại Tết mừng lúa mới, cơm mới nhưng không diễn ra đôi ba ngày như các dân tộc khác mà kéo dài cả tháng trời, là tháng nghỉ ngơi sau vụ gặt. Trước khi diễn ra Tết Nholir-bông, người ta tổ chức lễ cúng thần gió, cầu cho gió ngày tại nương rẫy, cầu cho gió mạnh để giê lúa mới thật sạch. 

Vào Tết Nholir-bông, nhà nào cũng giết trâu, bò, lợn, gà làm thịt, rượu cần cúng mừng cót thóc mới. Người K"ho có tục lệ trong ngày Tết này cắt tiết con gà, lấy máu gà bôi lên bồ đựng thóc, các cửa lớn, cửa sổ; trộn máu gà với củ nghệ, mối đất, vỏ cây đa, cỏ tranh giã nhỏ, sau đó bôi lên ngực, lên trán của những người thân trong gia đình, bôi lên các đồ gia dụng với ý nghĩa cầu may, trừ tà. 

Trong tháng Tết, cả buôn làng kéo nhau đi từ nhà này sang nhà khác ăn uống, chúc mừng, nhảy múa rất sôi động. 

Theo Báo Du lịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét