Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Tết Việt 500 năm trước




Tết đến xuân về là thời khắc đặc biệt của dân ta. Ngày nay chúng ta đón Tết cơ bản theo những tục lệ cổ truyền, có bổ sung những tục lệ mới phù hợp lối sống mới, hoàn cảnh sống mới. Vậy chuyện đón xuân "cổ truyền" 500 năm trước của dân ta như thế nào? 
Văn học thành văn nước ta 500 năm trước có rất ít tác phẩm mô tả phong tục tập quán. Tuy nhiên, chỉ dựa vào "Tứ thời khúc vịnh" của Thượng thư Hoàng Sĩ Khải và "Phong thành xuân sắc" của Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, những tác giả vùng Kinh Bắc, ta có thể hình dung ra cảnh đón xuân thời đó khá rõ nét.

Tiết lập xuân, Nhà nước tổ chức nghi thức đón xuân ở ngoại ô phía đông kinh thành. Dân gian làm tấm thiếp bằng vải thêu, hoặc giấy vẽ ngũ sắc để treo, dán ở trên cửa sổ. Trên thiếp viết chữ "Nghi xuân" nghĩa là "hợp với mùa xuân". Ở các làng quê người ta cưỡi trâu, đánh cho trâu tế lồng lên, hàm ý đuổi khí âm, rước khí dương trở về.

Trong bữa cỗ ngày Tết và ngày lập xuân, nhà nào cũng có món nộm, gồm năm thứ cay là: hành, tỏi, hẹ, răm, cải trộn lẫn nhau, gọi là "Ngũ tân" để ngụ ý đến năm mới, vì tiếng Hán "tân" là cay đồng âm với "tân" là mới. Rượu thì có loại rượu tô, rượu bách để trừ khí độc, tăng tuổi thọ.

Sáng ngày mồng một Tết, các nhà còn đốt cây trúc cho phát ra tiếng nổ ở ngoài sân để xua đuổi tà ma. Về sau người ta đốt pháo trộn hương liệu thơm để thay cho đốt trúc. Nghề làm pháo ra đời từ đó.

Ngoài việc treo thiếp "Nghi xuân" ở cửa sổ, người ta còn trang trí "Bùa đào" ở cửa nhà. Ðó là hai miếng gỗ đào vẽ tượng hai vị thần Thân Thư, Uất Luật để trấn áp ma quỷ. Lại có tranh Chung Quỳ, một nhân vật có thật đời Ðường, sau khi chết thường hiển linh bắt ma quỷ, và tranh gà cũng nhằm mục đích trừ ma quỷ. Chưa yên tâm, bên trong cửa ra vào người ta còn treo thiếp yểm không cho ma quỷ vào nhà quấy nhiễu.

Trong những ngày Tết người ta thường tắm bằng nước đun với hoa và lá đào, sau thay bằng nước đun với thân cây mùi già, mùi thơm dịu và bền. Với con gái lớn thì vẽ hoa mai năm cánh ở trán để trang điểm, vừa đài các, vừa là dấu hiệu "phòng không". Việc tắm nước lá và hoa đào, vẽ hoa mai ở trán cũng còn là biện pháp phòng trừ ma quỷ cho riêng từng người.


Làm tranh Đông Hồ
Tục treo tranh Chung Quỳ và tranh gà ngày Tết kéo theo những làng nghề, làm tranh dân gian, trong đó còn tồn tại làng tranh Ðông Hồ nổi tiếng. Từ vẽ tranh Tết, các nghệ nhân đã mở rộng đề tài, tạo nên hàng trăm mẫu tranh mới. Riêng tranh gà cũng có đến hàng chục mẫu khác nhau. Làng tranh Ðông Hồ lại tìm ra những nguyên liệu đặc biệt để vẽ tranh tạo nên một dòng tranh dân gian độc đáo, có sức thu hút với cả người nước ngoài, đó là điều để tranh Ðông Hồ vươn ra thế giới.Ngày Tết ở kinh thành, triều đình làm núi đèn bằng lụa ngũ sắc làm nơi vui chơi cho dân. Thời Lý, vua Lý Thái Tổ thấy việc này tốn kém nên đã từng xuống chiếu bãi bỏ. Người ta cũng trang trí đường đi bằng các thứ cây hoa tươi để ngắm cảnh ngày Tết. Trò vui phổ biến ở kinh thành là trò đá cầu. Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh viết: "Trai lanh lẹn đá cầu vén áo. Gái éo le rủ yếm dôi quần".

Trong cung vua, các bà phi dâng thơ chúc thọ vua, các quan cũng dâng biểu chúc thọ vua, còn các quan hầu cận nổi nhạc, thúc trống cho hoa nở và dâng vua rượu quý mừng xuân.
Soi vào lệ cổ, ngày nay ta thấy thú chơi tranh và cây hoa ngày Tết là còn thịnh hành nhất. Tục đốt pháo cũng đã rất thịnh hành, tuy nhiên quá trình sản xuất và sử dụng pháo có chiều hướng gây thương vong cho người ngày một tăng nên nước ta đã cấm sử dụng. Các tỉnh chuyển sang bắn pháo hoa nơi công cộng. 

Theo PHẠM THUẬN, Nhân Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét