Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Món ăn dân dã Quảng Ngãi


19:35 24 thg 1 2012
Bánh Nổ:
Đặc sản Bánh nổ
-------
Người dân nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi, ngày xuân thường làm các loại bánh để cúng ông bà và ăn Tết, như bánh in, bánh thuẫn, bánh gai, bánh tét, mâm ngũ quả, v.v. nhưng không thể thiếu được món bánh nổ. Không có bánh nổ, coi như chưa phải ăn Tết.

Sao lại gọi là bánh nổ? Có lẽ đơn giản chỉ vì người ta rang thóc nếp cho nổ bung để làm bánh. Muốn có những lát bánh nổ thơm ngon giòn ngọt, người ta chọn nếp từ vụ trước, phơi cất kỹ càng. Gần ngày làm bánh, nếp lại được đem ra phơi cho thật khô, khi rang mới nổ to, bung ra như hoa chanh, hoa cam. Nếu chỉ được búp, khó mà làm bánh. Nếp khô rang trên bếp than hồng, hạt nổ, bung vỏ trấu ra, khoe ruột nổ trắng ngần. Sau khi sàng sảy, giần đãi cho sạch vỏ trấu thì bắt đầu đóng bánh.

Bàn đóng bánh nổ bằng gỗ hình chữ nhật có kích thước 36 cm x 4 cm lắp đứng trên đế gỗ vững chắc. Dùng chày đầu trên tròn, đầu dưới chữ nhật vừa khít với khuôn bánh để đóng cho bánh mịn.

Có thể dùng đường kính trắng, cũng có thể lấy đường mặt chiên là đường thủ công ở lớp trên cùng của muỗng mật làm bánh nổ. Khi thắng đường, múc lên, đường kéo thành sợi tơ là được. Trộn nước đường đã thắng với bỏng nổ có pha chút nước cốt gừng cho bánh thơm rồi đổ vào khuôn. Đặt đầu chày chữ nhật khít khuôn bánh, lấy vồ nện lên đầu tròn theo nhịp đều. Bánh ép ngót thì đổ tiếp cho đầy khuôn là được. Tháo khuôn sẽ được một "cây nổ" dài. Đưa "cây nổ" lên sịa, tức là sấy trên sàn lửa than cho khô. Dùng lưỡi dao mỏng cắt bánh thành từng lát dày nửa phân và sấy lần nữa để bánh thật giòn, cho vào các túi ni-lông chống ẩm. Ngày xưa thì gói bằng lá chuối khô, chống ẩm tốt mà lại có mùi thơm của lá.

Ngày nay, người làm bánh đại trà để bán, có thể rang bằng nồi áp suất, nhưng bỏng không ngon. Còn làm bánh Tết, cúng tổ tiên và tiếp khách, đãi họ hàng, cứ làm theo cách cổ truyền, bánh nổ ngày xuân mới giàu ý vị.

Chè Lam:
Chè lam là một món ăn quen thuộc nhiều vùng miền nước ta. Nhưng có lẽ chẳng nơi nào có món chè lam độc đáo như vùng phủ Quảng xứ Thanh. Không dai mềm như chè lam truyền thống, chè lam phủ Quảng thơm ngon vì cái vị giòn giòn độc đáo tan ra ngay trên đầu lưỡi
Mô tả ảnh.

Vị ngon từ sản vật xứ Thanh 

Miếng chè lam phủ Quảng tuy rắn nhưng lại giòn tan, chỉ cần vỗ nhẹ một cái là vỡ ra thành từng mảnh nhỏ. Nhưng để được như thế cũng lắm công phu. Gạo nếp được xay nhuyễn bằng cối đá bắc, một phần gạo rang chín đều, lạc rang giã đôi giã ba, gừng tươi đồ chín rồi xắt lát… tất cả những nguyên liệu ấy được ngào chung trong nồi mật mía sánh óng ngọt lừ đang bắt lửa sôi như say trên chảo gang. Khối mật óng ánh đông lại ôm tất cả vào lòng, rồi lại chờ bàn tay người đảo, luyện như luyện linh đơn tiên dược. 

Phải là cánh tay nam nhi rắn rỏi mới luyện được cả khối chè ngồn ngộn nóng hừng hực, sao cho mềm, cho dẻo. Từng giọt mật óng vàng ngoan ngoãn tan ra, thấm sâu vào phiến bột trắng ngần, từng hạt nếp lơ mơ vàng vừa biến màu trên chảo gang đỏ lửa. Cái ngọt, cái mềm, cái thơm, cái cay quyện hòa vào nhau, tan biến vào nhau, để đến khi ta cầm trên tay thanh chè lam mỏng mảnh phủ ngoài lớp áo bột trắng phau, ta chẳng còn phân biệt được đâu là cái ngọt thanh của nếp cái hoa vàng, đâu là vị ngọt sắc lẻm của lóng mía Kim Tân. 

Cầm phong kẹo trên tay, người ta nhớ đến những quán nước chè quê ở đầu làng, bà cụ bán nước tóc trắng phau nhấc hũ thủy tinh cũ kỹ bằng bàn tay gầy guộc, bên trong đựng đủ thứ kẹo lạc, kẹo bỏng, chè lam… Cái gió mát rười rượi của làng quê yên ả sao mà khoan khoái đến thế, cầm thanh chè lam trong tay, khẽ vỗ một cái cho nó vỡ vụn ra, rồi nhẩn nha nếm thử từng mảnh vụn sâm sẫm màu hổ phách phủ phấn trắng tinh ấy. Ùa vào trong mọi ngõ ngách của các giác quan là cái ngọt đến lịm người, cái dẻo quẹo của hạt nếp, bùi ngậy của lạc nhân và vị gừng cay vừa nồng nàn như cái nắng chói buổi trưa hè, vừa êm ả như cơn mưa rào mát rượi đổ xuống ngày đầu hạ. 

Ram lụi:
Nói rằng ram là món ăn đặc sản chỉ duy nhất có ở Quảng Ngãi thì không đúng, nhưng cho rằng chưa ở đâu trên đất miền Trung món ram lại được ưa thích và có nhiều "biến tấu" như ở Quảng Ngãi thì chắc là không sai.
Ram - một hình thức bánh tráng mỏng cuốn nhân như chả giò - nhưng khác ở chỗ nhân chủ yếu làm bằng tôm (ướp gia vị, xào qua, để nguyên con), thịt ba rọi xắt lát nhỏ và những cọng hành tươi. Ramcũng có thể được chế biến một cách dân dã mà không kém thú vị với nhân chỉ bằng bắp tươi. Nếu làmram chiên thì ăn nóng rất giòn béo, còn nướng trên lửa than thì ram dịu hơn, hợp khẩu vị những thực khách ít ăn béo. Với ram bắp, thật khó quên hương vị thơm ngon, ngọt bùi của bắp non đầy nhựa.
Nhưng thường người ta không chỉ ăn ram không mà ăn kèm với nem lụi và rau sống. Nem lụi thực ra cũng chỉ là loại nem nướng - thịt heo băm, ướp gia vị, viên lại và đem nướng trên than hồng - chỉ có điểm đặc biệt là đươc xiên vào que thành từng xâu, vì vậy mà được gọi là "lụi".
Thực khách sẽ nhón một ít rau sống, cuốn ram và nem lụi với bánh tráng mỏng, chấm nước tương được chế biến bằng đậu phộng quết mịn, pha với ít bột hơi sệt.


Nhắc đến Quảng Ngãi người ta sẽ hình dung ngay một tỉnh đồng bằng duyên hải miền Trung. Quảng Ngãi là sự hoà hợp của những dòng sông xen lẫn núi đồi, ghềnh thác cùng nhiều di tích, kiến trúc cổ: di chỉ văn hoá Sa Huỳnh, chùa Thiên Ấn, thành cổ Châu Sa, chứng tích Sơn Mỹ, địa đạo Đám Toái… và với nhều danh lam thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và hữu tình.
Một nét hấp dẫn khác của Quảng Ngãi là những món ăn không giống bất cứ ở vùng nào trên cả nước, đó là cá Bống sông Trà, chim mía, kẹo gương, mạch nha, đường phổi và món Don… tất cả rất đậm đà hương vị của một miền quê.
Người ta hay nói “có thực mới vực được đạo”. Vâng mỗi chuyến đi nào dù ngắn hay dài, dù xa hay gần thì cái ăn là một yếu tố hàng đầu quyết định thành công của chuyến đi đó.
Khởi đầu cho một ngày mới tại thành phố Quảng Ngãi có rất nhiều lựa chọn cho bạn như bún bò giò heo quán Mây Hồng hay ở khắp nơi trong thành phố, cháo lươn trên đường Phan Bội Châu, bít-tết-ốp-la Vinh hay trên đường Nguyễn Nghiêm, bánh cuốn, bánh mì, mì quảng, cháo lòng…
Nhưng có một món phải kể đến trong list thực đơn điểm tâm của người dân địa phương đó là Bánh rập
Cái tên thật lạ lẫm, vì sao có tên gọi này, bánh rập vì bánh này có động tác chế biến cuối cùng trước khi đưa đến cho thực khách phát ra tiếng “rập”, đó là tiếng của bánh tráng giòn, bánh rập còn có tên bánh đập, bánh lập dập tất cả ba tên này đều xuất phát từ sự yêu mến của mọi người dành cho nó.
Bạn đã từng thấy nơi làm bánh tráng của miền Trung chưa? Vì ai bán bánh rập thì phải có lò đất để làm bánh tráng. Bánh rập có 90% nguyên liệu được làm từ gạo ngon, gồm 2 lớp chính, ngoài cùng là lớp bánh tráng đã được nướng giòn, gọi là bánh tráng chín, người ta trải lên một lớp bánh tráng ướt còn nóng hổi một cách khéo léo sao cho vừa khớp cái bánh tráng chín, sau cùng là xoa lớp một mỡ hẹ rồi họ cầm chính cái cây tre nhỏ đập nhẹ bánh tráng rập lại làm đôi, nhưng không rời ra bởi vì có lớp bánh tráng ướt giữ chặt. Đem ra bàn ăn và bạn chỉ việc thưởng thức với nước mắm cái được pha sẵn rất ngon mà trong miền Nam hay gọi là mắm nem, nếu ai không ăn được mắm thì sẽ dùng nước tương thay thế.
Một lần ăn chừng 2 cái cho 4-5 người. Cứ thế hết bánh lại gọi, cho thêm bánh cô ơi, chủ quán còn vui tính nữa vì dân Quảng Ngãi rất hiếu khách. Trên bàn chỉ có một cái đĩa bánh ở giữa và xung quanh là 4-5 chén nước chấm, nhìn thật đơn sơ nhưng thật ấm cúng, gần gũi làm sao. Mách nhỏ cho bạn chỗ ngon nhất của bánh là chính giữa vì giòn nhất, phải ăn bánh lúc còn nóng mới ngon và uống nước mía nữa thì tuyệt vời không còn gì bằng. Thật đúng là một món ăn đậm chất chân quê.
Bánh rập là món ăn mộc mạc rất hợp với túi tiền của học sinh sinh viên. Giả rẻ của bánh rập là sự bất ngờ cho những ai lần đầu thưởng thức, tính cho 4-5 người ăn no chừng 24k.
Bữa trưa thì ai cũng phải về bên mâm cơm gia đình. Mâm cơm lại có những món ăn đặc thù của vùng đất này như cá rô con chiên giòn, cá phèn chiên, cá nục hấp cuốn bánh tráng,… chính vì thế mà ba mẹ hay gửi cho con của mình ở xa quê hương những con cá nục, cá phèn đậm hương vị biển của quê nhà mà không nơi nào có được.
Chiều về là thời điểm ăn nhẹ của người Việt Nam nói chung, ở Quảng Ngãi hay gọi là ăn xế cũng có vô vàng món cho bạn suy nghĩ như bánh bột lọc, bánh canh, bún, bánh xèo miền Trung, đậu hũ gánh…
Nhưng tôi muốn giới thiệu đến các bạn món Bánh bèo
Thực ra bánh bèo quá đỗi quen thuộc với người Việt Nam nhưng các bạn hãy nếm thử bánh bèo chén tại Quảng Ngãi, bởi lẽ nó có hương vị rất tuyệt vời và dường như không nơi nào làm được cái nhân ngon như thế. Nhân bánh bèo vô cùng quan trọng, các quán cạnh tranh lẫn nhau chính là cái nhân (hay cái nước để chang lên bánh bèo), còn bánh bèo thì ở đâu cũng gần giống nhau vì đều làm từ gạo. Quán này nằm đầu đường Trần Hưng Đạo, chủ quán là bà lão năm nay tuổi đã cao, và bà chỉ truyền lại bí quyết làm nhân bánh bèo cho con cháu. Tôi vẫn nhớ ngày xưa khi Ba dẫn đi ăn bánh bèo này từ lúc lên 4 lên 5. Thế mà gần 20 năm hương vị ấy vẫn không hề thay đổi.
Một lần ăn thường đem ra một chục=10 chén, người ăn nhiều có thể ăn đến 30 chục chén. Giá 1200 đồng/ chén.
Bất kỳ ai lần đầu tiên đến Quảng Ngãi cũng đều được dẫn đi ăn một món vô cùng đặc biệt đó là Don
Từ bao đời nay người dân Quảng Ngãi đã biết tận dụng những sản vật sẵn có ở địa phương để chế biến những món ăn ngon. Don là một trong những món ăn rất độc đáo của Quảng Ngãi, nhẹ, mát, bổ, rẻ tiền và hấp dẫn.
Đặc biệt không chỉ thể hiện ở cái tên thật lạ lẫm, mà khách tứ phương hay hỏi con Don là con gì vậy? Con don thuộc họ nhà hến, thân bọc bằng hai nửa vỏ úp nhau nhưng don nhỏ hơn hến và chỉ có ở vùng sông Quảng Ngãi. Người ta đi cào don như cào hến. Nấu don thường theo tỉ lệ một bát don vỏ hai bát nước. Khi don chín, đãi bỏ vỏ, lấy ruột cho vào nước luộc. Ruột don ít nhưng nước don thơm ngon, vừa ngọt, vừa thanh.
Tô Don gồm có bánh tráng sống được bẻ nhỏ, hành tây và don, có hành ngò được rắc trên mặt nước nóng hổi thêm tí hành phi nữa thì càng làm tăng thêm hương vị thơm nồng của tô Don. Ăn hai ba tô vẫn còn thòm thèm. Thế mới biết vì sao có những người ở nước ngoài nhiều chục năm mà không sao quên được tô Don quê nhà.
Có những bạn trẻ thích sự thách thức hơn thì họ chạy xe máy xuống Quảng Phú cách trung tâm thành phố khoảng 10 cây số để ăn được một tô don thơm ngon với nhiều cái và rẻ hơn.
Đấy chính là món “Don” một đặc sản của văn hóa ẩm thực tại tỉnh Quảng Ngãi.
Có du khách từng rất thích thú khi một lần được ăn món “Don” này, một anh bạn miền Tây khi ghé Quảng Ngãi được thưởng thức Don, tấm tắc khen “cái nước ngọt ghê, cái ngọt của con Don thật đặc biệt, đúng là ngon thật.”
Tuy là đặc sản nhưng giá một tô Don dao động từ 5-8k, thật rẻ phải không nào!
Tạm xa thành phố yên bình ta đến với sóng nước, với những hàng phi lao thẳng tắp là đến với biển Mỹ Khê thuộc huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.
Ở đây có món ăn mà ai ở Quảng Ngãi cũng đều nếm thử đó là Bánh xèo biển
Sở dĩ vì sao người ta thích ăn bánh xèo biển, vì hương vị của bánh xèo ở biển khác ở trên thành phố, bởi bánh được đúc bằng tôm tươi không lột vỏ và nước bột gạo thơm, khi đúc lên cái bánh thật giòn, ăn cùng với rau sống hoặc cuốn chung với loại bánh tráng mỏng làm tại Quảng Ngãi chấm nước mắm ớt tỏi thì khỏi chê vào đâu được. Có lẽ chính vì vị ngọt của bánh làm từ bột gạo, vị ngọt của tôm biển, vị cay cay của nước mắm, lại ngồi ăn tại biển cho nên tạo một sự đặc biệt hiếm có. Tắm biển xong lên ăn vài cái bánh xèo nóng hổi, thơm lựng thì còn gì bằng. Thế vậy nên vào những mùa hè, hay dịp lễ Tết, bánh xèo là sự lựa chọn tối ưu của sinh viên cũng như mọi tầng lớp vì nó ngon và rẻ.
Bạn đã từng ăn ram chưa? Ăn thịt nướng chưa? Có lẽ bạn đã ăn rồi.
Nhưng chắc chắn là bạn chưa từng ăn món Ram thịt nướng
Món này đã có từ rất lâu tại Quảng Ngãi mà trong cuốn sách viết về Du Lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet cũng đã ghi chú ở mục Place to eat: tiệm ram 72 trên đường Nguyễn Nghiêm. Đến nay vẫn còn tiệm Ram thịt nướng này.
Món ăn này có thành phần chính là Ram và thịt bò nướng lá lốt đi kèm. Điểm đặc biệt là ram, hay trong miền Nam gọi là chả giò. Ram được gói bằng tay, bằng loại bánh tráng nhỏ dùng để gói ram, nguyên liệu thường là tôm, thịt và hành lá cắt khúc dày cho ram thơm hơn, sau đó 5 gói ram được xâu vào cái kẹp tre và nướng lên, người nướng phải thật nhanh tay trở ram, chứ không rất dễ bị cháy vì lớp bánh tráng rất mỏng, ram chưa chín mà mùi thơm đã tỏa lên khiến bao nhiều thực khách đói bụng càng muốn ăn nhanh hơn. Còn thịt bò nướng lá lốt, là miếng thịt bò to bằng 1/3 bàn tay đắp lên lá lốt, giữ chặt trong vỉ nướng, khi nướng lên trên lò, mùi thơm của nó làm món ăn này càng thêm phần hấp dẫn hơn.
Món này muốn ăn ngon phải có đĩa rau sống chính hiệu Quảng Ngãi, vẫn là những loại rau thông thường của Việt Nam nhưng cách bày trí thật là đẹp mắt nhờ những lát chuối chát được cắt mỏng và dài, rau dấp cá, rau quế, rau xà lách nhỏ, rau tía tô. Nhìn là muốn ăn ngay.
Cách ăn là đặt lên bánh tráng mỏng loại rau mà bạn thích, sau đó đặt ram lên nếu thích lấy thêm một ít thịt nướng cuộn vào thật chặt, đối với thực khách nào còn bỡ ngỡ việc cuộn ram thì sẽ được người phục vụ giúp đỡ rất tận tình. Món ram thịt nướng ngon nhờ gì bạn có biết không? Đó là nước chấm. Nước chấm được làm từ bột, nước, tôm, thịt heo, gia vị tưởng chừng như đơn giản nhưng nó rất khó chế biến. Chính vì thế mà thực khách thường xuyên kêu thêm nước chấm. Ai thích ăn cay sẽ ăn cùng trái ớt chín đỏ. Bất cứ quán ăn nào ở Quảng Ngãi cũng có đĩa ớt tỏi trên mỗi bàn. Ăn cay cũng là đặc điểm của người miền Trung nói chung và của người Quảng Ngãi nói riêng. Nhiều món ăn không có ớt thì không ngon, nó sẽ mất đi vị cay nồng hấp dẫn.
Ở Quảng Ngãi món Ram thịt nướng rất được ưa chuộng, khách thường đông vào những lúc chiều tối bắt đầu từ 3h chiều cho đến khoảng 10h đêm, thì tiệm nào cũng hết sạch. Bạn bè phương xa đến đây du lịch đều được chiêu đãi món ăn hấp dẫn hiếm có này. Hãy cầm đũa lên để thưởng thức Ram thịt nướng một cách trọn vẹn nào.
Về đêm là lúc mọi người bắt đầu ra đường hóng gió trời, đi dạo thành phố nhỏ xinh đẹp và thưởng thức những món ăn hàng của giới trẻ Quảng Ngãi. Đó là món bánh tráng mắm ruốc, nem nướng, cá chỉ vàng nướng, ram bắp, ốc hút Cây me,…
Một nơi thú vị cho những ai lần đầu đến Quảng Ngãi muốn khám phá đó chính là đê bao hay gọi là bờ đê sông Trà Khúc, thành phố Quảng Ngãi nằm trên bờ Nam của sông Trà. Đây thực sự là nét văn hóa về đêm của người dân. Các gia đình, bè bạn hay hẹn ra những quán cóc ngay trên bờ đê để nhâm nhí vài con hến xào, vài gói ram bắp,… uống vài chai bia, vài ly nước khoáng để tận hưởng cái gió trời, gió sông, ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống phía cầu Trường Xuân và bóng dáng thấp thoáng của người lái đò trên dòng Trà Giang. Một không khí thực sự trong lành, dễ chịu sau một ngày dài làm việc nơi công sở.
Du khách còn sự lựa chọn khác đó là khu vực Quảng trường kéo dài đến hết khoảng 1 cây số-đại lộ Phạm Văn Đồng, ở đây thoáng đãng vào những buổi chiều và cũng là nơi người dân đi dạo, tập thể dục,…
Một thú vị nữa là ngay trong thành phố có một ngọn núi, nhưng ngọn núi này cao chưa đến 100m, khi nhìn bạn sẽ không nghĩ nó là núi vì nó rất thấp, có tên là núi Bút.
Vốn dĩ tên gọi đó có từ ngàn xưa, trong những án thơ văn được mệnh danh là Thiên Bút Phê Vân, có nghĩa là tựa ngòi bút viết lên nền trời xanh. Tất cả các địa danh trải dài khắp tỉnh Quảng Ngãi đều có trong thơ văn, thế mới biết đây là vùng đất lãng mạn đã sinh ra bao nghệ sĩ như: Nghệ sĩ ưu tú Trà Giang, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương nổi tiếng với các ca khúc học trò, tình yêu quê hương đất nước( Con đường đến trường), nhà thơ Tế Hanh với bài Nhớ con sông quê hương…
Ngay dưới chân núi là các quán nước bán đủ loại thức uống từ bia cho đến nước ngọt, thứ gì cũng có, đặc biệt là Sinh tố
Chiều tối đến đây uống sinh tố ở đây thì vô cùng lý tưởng. Một ly sinh tố bổ dưỡng, thơm ngon và hấp dẫn bởi chính cái màu sắc tươi rói của các loại trái cây Việt Nam, không những thế vị ngọt của trái cây hòa quyện với sữa và đường, ta ăn chung với đá bào thì sẽ tạo nên một hương vị ngọt ngào khó quên. Bạn có thể yêu cầu nhiều hoặc ít sữa đường thoải mái mà giá vẫn không đổi bởi chủ quán ở đây rất chiều khách. Vừa nhâm nhí ly sinh tố vừa ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống núi. Một khung cảnh thật nên thơ và yên tĩnh phải không nào?
Vào những dịp chia tay du khách hay người thân chuẩn bị học, đi làm ở nơi xa, món quà người Quảng Ngãi thường hay dành tặng đó cũng là những đặc sản nơi đây như cá bống sông Trà, kẹo mạch nha, bò khô, đường phèn, cơm rang,… Có những món ăn đơn giản đến mức không thể nào đơn giản hơn được nữa, ấy vậy mà nó trở thành đặc sản của một địa phương.
Dù đi đâu, xa quê bao lâu người ta vẫn nhớ đến. Cá bống sông Trà (Quảng Ngãi) là trường hợp như thế!
Cá bống ngon nhất vào mùa hè, ngư dân ở đây thường bắt cá bống bằng ống tre, rồi bỏ cá vào niêu đất cho gia vị ớt, hành, tiêu chế nước xăm xắp, lửa riu riu hơn tiếng đồng hồ nhắc xuống, con cá vừa dai vừa thơm vừa mằn mặn ăn với cơm trắng. Nếu cá đã kho hai ba “lửa” thì ăn rất “đã” với vị cay cay mặn mặn của gia vị, thơm thơm dai dai của thịt cá, ăn mãi mà không chán.

Người ta hay bảo: “Cá bống kho tiêu, cá thiều nấu ngọt “. Cá bống kho tiêu là món ăn đặc biệt của vùng sông nước Trà Giang. Ngon nhất phải nói đến loại cá bống cát ở sông Trà gọi là “Trà Giang sa ngư “. Cá bống cát ở sông Trà có nhiều loại, từ loại cá bống cát nhỏ con, màu vàng nhạt, cỡ bằng ngón tay út cho đến loại cá bống vồ, to con, và loại cá bống mú có thân hình tím sẫm (còn gọi là cá bống than) thịt nhão, không ngon bằng thịt cá bống cát.
Theo câu chuyện của 2 anh em nọ ở Quảng Ngãi được phát sóng trong chương trình trực tiếp hàng tháng Thay Lời Muốn Nói của HTV: “trước khi lên tàu từ Sài Gòn về quê là 2 anh em đã lên danh sách các món ăn phải ăn trong kỳ nghỉ hè này…” thêm nữa là mỗi lần có người quen nào vào Sài Gòn lại nhờ gửi theo thức ăn, chỉ vì ăn cho đỡ nhớ: như hủ cá bống, hủ tương ớt, hủ mắm cái, mà mẹ làm và mẹ gửi cả tình thương trong đó…”. Bấy nhiêu đó cũng thấy được món ăn ở Quảng Ngãi tuy dân dã, mộc mạc nhưng hấp dẫn lòng người và khó quên đến dường nào.
Có thể nói đời sống ẩm thực của người Quảng Ngãi vô cùng phong phú. Và ai đã từng một lần nếm qua thì thật khó quên bởi hương vị đậm đà, ngọt ngào vốn dĩ của nó. Quảng Ngãi thực sự là nơi lý tưởng để bạn khám phá những trải nghiệm ẩm thực độc đáo.
( Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét