Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Nhạc sĩ Dương Thụ


Nghệ thuật là tiếng nói đi tìm bạn

(Theo Tuổi trẻ )
Khiêm tốn và kiệm lời trong cuộc trò chuyện, thầy giáo, nhà báo, nhạc sĩ Dương Thụ có sự nghiêm túc của một người làm giáo dục, có tâm và tầm của một người làm văn hoá, và sự nhạy cảm của một người làm nghệ thuật.
Có lẽ không ai viết nhạc với sự quan sát thiên nhiên và đưa cái dịu mát của thiên nhiên, của hoa dại, suối trong, mưa lạnh… vào nhạc nhiều và có duyên như Dương Thụ. Đó là một con người yêu thiên nhiên đến tận đáy lòng. Đôi khi, học thuật và những triết lý sang cả của nó khiến người ta quên mất một chân lý giản dị là cái gì gần gũi lại là sâu xa nhất, cái gì bình dân lại là sang trọng nhất, điều gì bình thường là điều cảm động nhất.
Một cách nhẹ nhàng, Dương Thụ mã hoá những rung cảm trong tâm hồn thuần Việt của mình thành mật ngữ, ẩn sau những giai điệu có mùi khói, mùi mưa… mùi của ấu thơ, của quê hương trong tâm hồn mỗi người Việt. Để rồi, sau ô cửa sổ của anh, mỗi người có một ô cửa riêng của mình.
Lớn lên với làng quê miền Bắc, lập nghiệp ở Sài Gòn, trong Dương Thụ phảng phất hồn của một người Hà Nội xưa và một trí thức hiện đại nhiệt tình với sự nghiệp văn hoá ngày nay. Cuộc trò chuyện với anh xoay quanh chủ đề âm nhạc và Cà phê Thứ Bảy, dự án Cà phê văn hoá mà anh đang đầu tư rất nhiều tâm huyết.
* Được biết anh sáng tác nhạc từ rất sớm, nhưng cái tên Dương Thụ chỉ đến với công chúng yêu nhạc từ dạo 1998-2000 - thời được gọi là “vàng son” của nhạc trẻ và Làn Sóng Xanh với hit “Cho em một ngày”. Anh có thể chia sẻ tại sao anh đến từ “ngày đó” mà không là sớm hơn nhỉ?
- Trả lời câu này hơi khó. Bọn tôi có bốn người được gọi là “bộ tứ Hà Nội”: Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, và tôi. Phương nổi lên từ những năm cuối thập niên 1960, Tiến vào khoảng sau 1975, những năm 1978, 1979. Còn Cường thì ít năm sau đó (1981, 1982). Cả ba đều rất nổi tiếng, nhất là Trần Tiến.
Còn tôi, đối với công chúng lúc ấy chỉ là kẻ vô danh. Điều ấy cũng thật dễ hiểu bởi nhạc của tôi quá riêng tư, ngoài lề, nên việc nó nằm trong ngăn kéo cũng là phải. Dù không “hoành tráng”, nhưng dẫu sao bây giờ vẫn có người đồng cảm với những gì tôi viết, tuy cũng ít thôi. Điều đó làm tôi cảm thấy bớt cô đơn hơn. Thế là đủ. Nghệ thuật là tiếng nói đi tìm bạn. Có được người nghe mình như thế cũng ấm lòng lắm rồi.
* Chắc hẳn những người làm bạn với âm nhạc của Dương Thụ cũng đang rất ấm lòng khi biết sự đồng cảm đến từ hai phía. Tốt nghiệp Văn khoa và là một nhạc sĩ viết báo khá nhiều, nhưng có vẻ như anh viết nhạc hay viết báo thì cũng giống như đang viết văn vậy. Sáng tác với anh là một nhu cầu, tìm tòi hay giải trí?
- Viết nhạc là một nhu cầu tự nhiên. Viết báo để kiếm tiền. Cả hai chẳng có gì dính với văn chương cả. Việc tốt nghiệp khoa Văn với tôi không có nhiều ý nghĩa. Quả thực tôi không có nhu cầu viết văn. Viết một mẩu nhật ký cũng không xong thì làm sao có đủ kiên nhẫn để viết văn. Nhưng viết bài cho báo tết thì khác. Vì có động cơ hẳn hoi nên làm được. Và tôi cũng chưa phải là một người “oai” tới mức coi nhạc là một trò giải trí.
Còn chuyện tìm tòi thì có. Tôi nghĩ rằng đó là công việc của một người làm âm nhạc chuyên nghiệp. Tôi vốn không thích sự phức tạp. Làm nghệ thuật là quá trình bỏ đi những cái thừa, đạt đến sự tối giản. Chotstakovitch có nói rằng càng nhiều nốt thì càng ít nhạc. Từ những năm cuối thập niên 1960, tôi đã làm nhạc một mô - típ và sử dụng thang âm có ba nốt. Đây không phải là trò chơi sắp đặt âm thanh mà nhu cầu về độ nén trong cảm xúc. Làm như thế cũng có thể tạm coi như một sự tìm tòi.
Cảm xúc yêu trong nhạc anh giản dị, nồng nàn và là những khát khao... rất chính đáng của những người đang yêu, kiểu như “Cho em một ngày một ngày thôi... là một ngày anh đến không trễ hẹn cùng em” (Cho em một ngày), hay “...muốn quên đi mà em vẫn thấy hơi thở anh kề bên” (Hoạ mi hót trong mưa). Chính vì những ca từ tả tâm lý rất chính-đáng-bình-thường như thế mà nhiều người cho rằng nhạc anh bình dân, dù không phủ nhận âm hưởng sang trọng của nó. Ẩn ngữ của cảm xúc trong âm nhạc của anh là gì?
Tôi biết ở nước ta có một giới được coi là sang trọng. Đã là sang trọng thì phải nghe nhạc tiền chiến, nhạc lãng mạn trước 1975, “nhạc Trịnh”, hay ít ra là những bài hát về Hà Nội của các anh Phú Quang, Trương Quý Hải, Hoàng PhúcThắng. Tôi được cải tạo lao động từ năm 13 tuổi, lớn lên trong nghèo khó, lại là một người vốn vụng về thô thiển rất ghét sự phun châu nhả ngọc nên nhạc nhất định phải bình dân rồi.
Tôi thật xấu hổ nếu xếp tôi vào những thứ sang trọng bên trên. Tôi viết bài hát không để kể tả về tình yêu, cũng không xuất phát từ những ý tưởng văn chương hay triết lý nào cả. Cái nếu có trong bài hát là những gì trừu tượng hơn - là cái cảm xúc được che giấu sau mỗi nốt nhạc. Có lẽ nhận ra nó thường là những người giống tôi đôi chút.
Điều quan trọng nhất đối với một người viết ở cấp độ tác giả không phải là kỹ thuật mà là cảm xúc âm nhạc. Mà muốn có nó thì phải SỐNG quyết liệt và YÊU nồng nàn. Và lúc viết phải như một người đang yêu. Còn ẩn ngữ của nó ư, thì nó nằm sau những ca từ tầm thường như bạn và nhiều người nghĩ ấy.
* Vậy có thể nói thông điệp của ẩn ngữ trong cảm xúc âm nhạc của Dương Thụ là “sống quyết liệt và yêu nồng nàn”?
- Ẩn ngữ không phải là cái đấy đâu. Bạn có bao giờ hiểu được câu “Tôi mong về Hà Nội, để nghe gió sông Hồng thổi, để thương áo len cài vội một chiều đông rét mướt, những hạt mưa bụi rơi” trong bài Mong về Hà Nội không? ẩn ngữ là cái không nói ra, nó im lặng và ở sâu trong một cõi nào đó.
Tôi đã đưa bài này cho ca sĩ Arlene Estella. Cô ấy nghe rồi đọc bản dịch sang tiếng Anh, đọc rất nhiều lần nhưng cô ấy không thể hiểu và cô đã bỏ bài ấy khi thu album Sundance(gồm những tình khúc của tôi hát bằng tiếng Anh) vì đã không tìm ra được những ẩn ngữ của nó. Còn sống quyết liệt và yêu nồng nàn là điều kiện để ta có thể tạo ra được một cái gì đó (ẩn ngữ) chạm đến nội tâm người khác.
* Người nghe dễ dàng nhận ra mùi vị lãng mạn trong sáng tác của anh. Nó là lãng mạn thật, giản đơn và đầy ắp, chứ không đơn thuần là khung cảnh lãng mạn. Theo anh, âm nhạc có nhất thiết phải lãng mạn không? Sự lãng mạn nuôi dưỡng cái gì trong tâm hồn con người?
- Trong cuộc sống, đi buôn và làm chính trị thì không nên lãng mạn, còn lại thì... Tôi không theo chủ nghĩa lãng mạn. Tôi thích sự lãng mạn mặc dù không được lãng mạn cho lắm. Nghệ thuật có rất nhiều khuynh hướng, âm nhạc cũng vậy. Khuynh hướng trữ tình chắc chắn là lãng mạn rồi. Còn lãng mạn nuôi dưỡng cái gì cho tâm hồn con người: tình yêu, lòng tin vào những điều tốt đẹp ở trên đời này và nó cho chúng ta lý do để sống.
* Nếu tìm những ca khúc về mưa, có lẽ không ai viết nhạc về mưa nhiều hơn Dương Thụ. Thiên nhiên trong nhạc của anh mang lại nhiều “oxy” cho người nghe, giống như không khí sau cơn mưa vậy. Có gì đặc biệt về mưa mà nó vào trong anh sâu thế?
- Tôi là người sùng bái thiên nhiên, luôn tìm cách sống trong nó và nhận năng lượng từ nó. Ca từ của tôi là để diễn đạt điều này. Bài hát nào cũng đầy những phong cảnh nhưng thực ra tôi không tả phong cảnh mà là phong cảnh hát lên cái nội tâm của tôi. Tôi viết nhiều bài có dính đến mưa (Nghe mưa, Ngày mưa hãy đến với em, Biển ngày mưa, Tiếng mưa để lại...). Với tôi, mưa là biểu tượng cho một cuộc đối thoại nội tâm trong im lặng. Trong những ngày mưa gió, bạn hãy thử ngồi một mình bên một cửa sổ mưa, lắng nghe tiếng mưa rơi có thể là thì thầm, có thể là ào ào dữ dội, bạn sẽ hiểu được điều tôi nói.
* Bạn bè gọi anh là Dương Thụ - Vân Đình. Quê hương có ý nghĩa như thế nào trong tâm hồn anh? Có nhân vật nào (hay điều gì) ảnh hưởng con người và sáng tác của anh nhiều nhất?
- Vân Đình là quê gốc của dòng họ Dương, dòng họ sinh ra hai cụ Dương Khuê và Dương Lâm. Đó là cố hương của tôi. Tôi rất ít khi về quê và cũng không muốn về vì nó quá thay đổi. Tôi thường mang theo nó trong giấc mơ của mình lúc gần về sáng, những giấc mơ khi tỉnh dậy vẫn còn lưu giữ được cái cảm giác nao nao buồn của những cái không bao giờ trở lại: tuổi ấu thơ, những khung cảnh cũ...
Tôi thích thơ của Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, Huy Cận (trong Lửa Thiêng), thích đọc văn của Thạch Lam. Thuở nhỏ tôi thích nhạc Phạm Duy, sau này phục tài anh Hoàng Vân. Nhưng có lẽ người tôi kính trọng và muốn lắng nghe nhiều nhất là anh Trần Dần. Tất cả họ đều ảnh hưởng đến tôi ít nhiều khi tôi bước vào con đường sáng tác.
Còn về con người chính trị thì tôi là con đẻ của Việt minh. Hồ Chủ tịch và các nhân vật trí thức trong nội các đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là những người tôi ngưỡng mộ nhất.
* Gần đây có nghe anh có bàn về “nhạc rác”. Anh có thể chia sẻ vài suy nghĩ về âm nhạc Việt Nam hiện nay? Phim thị trường và nhạc thị trường, theo anh, có cùng chung đối tượng thưởng thức?
- Có nghệ thuật thì có cái để ta thưởng thức, bằng không thì chỉ là những trò giải trí rẻ tiền. Tôi quan sát thấy phần lớn công chúng đến các tụ điểm ca nhạc hoặc các rạp chiếu bóng là để giải trí, nhu cầu thưởng thức ít lắm. Người thế nào thì nghe nhạc xem phim thế ấy, cũng chẳng trách được họ.
Sao chúng ta không đặt câu hỏi ngược lại là tại sao một xã hội luôn đề cao văn hoá lại để rác rưởi văn hoá ngập ngụa tràn lan, lại để cho công chúng quen với rác mà không thấy sự “rác” của nó? Ai tung rác vào xã hội? Tôi không tin những tác giả của “rác” lại làm được điều này.
* Tình hình hiện nay có thể ví như chủ nhà bày một bữa tiệc cao cấp toàn fast food, còn thực khách đang bị bội thực và khủng hoảng khẩu vị. Theo anh, cần bắt đầu từ đâu để giúp người trẻ định hướng “gu” nghe? Cần bắt đầu từ đâu để xây cái nền của trình độ thưởng thức nghệ thuật?
- Cần bắt đầu từ giáo dục chứ không thể bắt đầu từ cấm đoán. Trong việc giáo dục con người toàn diện, hệ thống giáo dục chúng ta có vấn đề. Chúng ta chạy theo việc dạy chữ mà không quan tâm lắm đến việc dạy người. Và nếu có dạy người thì quan tâm đến việc hình thành con người chính trị nhiều hơn là con người văn hoá. Cái sự năng lực thẩm mỹ kém, thích những cái “nhảm nhí” của nhiều bạn trẻ hiện nay không phải là lỗi của họ.
Tôi cũng đã đi dạy học một thời gian nên hiểu được điều này. Cái không ổn hiện nay là văn hoá nền của cả người quản lý, người viết và người nghe âm nhạc còn thấp. Mà nền thấp thì không thể nói đến chuyện trình độ thưởng thức nghệ thuật được. Phải nhận ra mặt bằng chung này chứ đừng chỉ nhìn thấy ở người nghe. Xây dựng văn hoá nền cho mỗi con người có thể là cố gắng cá nhân nhưng trước hết phải là chiến lược phát triển của quốc gia.
* Gần đây, cà phê Sài Gòn xôn xao về Cà phê Thứ Bảy. Người ta gọi Cà phê Thứ Bảy là cà phê của Dương Thụ chứ ít ai biết đằng sau anh là cả một tập đoàn tên tuổi. Cơ duyên nào có sự hợp tác này khiến nhạc sĩ - nhà văn quyết định đi làm “business” vậy?
- Cà phê Thứ Bảy không phải là cà phê nhạc mà là cà phê văn hoá nên nó không chỉ có nghệ thuật. Với tôi, nó chỉ là nơi để những bạn bè trí thức văn nghệ sĩ và những người yêu thích và am hiểu văn hoá đến uống cà phê, gặp gỡ trò chuyện kiểu cà phê, chứ không phải là nơi kinh doanh văn hoá. Nếu có kinh doanh văn hoá tôi làm ở chỗ khác.
Với nơi tôi hợp tác (Tập đoàn cà phê Trung Nguyên), họ cũng không nhắm mục đích kinh doanh trực tiếp mà họ nhìn vấn đề xa hơn: Làm văn hoá để nâng cao thương hiệu và để đóng góp cho xã hội. Tôi hiểu được anh Đặng Lê Nguyên Vũ, anh Đặng Lê Nguyên Vũ hiểu được tôi. Sự gặp gỡ của chúng tôi cũng là một cơ duyên.
Thông qua anh Vũ, tôi có thay đổi chút ít về cách nhìn đối với giới doanh nhân. Một cách nhìn tích cực hơn, mặc dù đã tích cực rồi. Tôi không có quyết định đi làm business, nhưng bắt buộc phải làm chủ quán bất đắc dĩ vì tôi là giám đốc điều hành dự án. Nhưng cũng dễ chịu thôi vì việc kinh doanh đã có người quản lý quán, họ có chuyên môn còn tôi thì mù tịt. Tất nhiên cũng không đơn giản vì ký bậy là chết.
* Tạo sân chơi văn hoá trong một quán cà phê, có ôm đồm và tham vọng quá không?
- Tôi không thích chữ sân chơi. Quán cà phê là nơi giao tiếp văn hoá rất tốt. Cà phê văn hoá là một việc nên làm. Làm một mình là ôm đồm, xây cho nó những mục tiêu không thiết thực là tham vọng. Tôi không làm một mình mà có sự trợ giúp của những bạn bè là những trí thức văn nghệ sĩ hàng đầu, họ rất giỏi và có uy tín về chuyên môn và xã hội rất cao. Cà phê Thứ Bảy là một dự án tỉ mỉ và được chuẩn bị công phu. Nó có mục tiêu thiết thực. Hoạt động của nó từ ngày khai trương cho đến nay đã chứng tỏ điều đó.
* Chuyến đi vòng quanh châu âu cách đây vài năm có phải là để nuôi ý tưởng cho Cà phê Thứ Bảy? Cho đến bây giờ, anh có hài lòng với môi trường văn hoá anh tạo ra và sự tương tác trong môi trường đó không?
- Cách đây mười lăm năm tôi đã viết một tạp bút đăng trên báo Lao động có tên “La cà cà phê Hà Nội” để thương nhớ cho một thứ văn hoá cà phê đã mất. Và cũng từ lâu tôi đã trở thành kẻ “cà phê một mình”. Nhưng không phải chỉ có tôi, bạn bè trí thức “cà phê một mình” nhiều lắm. Bây giờ điều kiện về kinh tế và xã hội đã khá, tôi lại “mơ về một quán cà phê” (tên bài tôi viết đăng trên tạp chí Tinh Hoa) để bọn tôi đỡ phải “một mình” tội nghiệp.
Tôi không phải đi tìm ý tưởng ở đâu cả mà là ở chính mình giống như việc tôi làm nhạc vậy. Đi châu Âu từ 2004 và là đi chơi dài ngày và không mảy may nghĩ đến cà phê. Môi trường văn hoá mà tôi và bạn bè tạo ra cho Cà phê Thứ Bảy bắt đầu thú vị rồi đấy, tất nhiên từ ý tưởng cho đến khi nó trở thành hiện thực phải có thời gian không thể cái gì cũng ngay được.
Thời gian cho sự sinh thành văn hoá là chậm. Cần phải kiên nhẫn. Dự án đang được thực hiện tốt nhưng chương trình “Điện ảnh 5 sao” tối Chủ nhật chưa thể bắt đầu, tủ sách Tinh hoa có nhưng chưa hoạt động vì những lý do hoàn toàn kỹ thuật. Và sự tinh tế trong việc cắm hoa, sắp xếp chỗ ngồi và ứng xử với khách… đang được cố gắng làm tốt hơn.
Tôi có thể hơi khó tính nên nhìn ra nhiều cái chưa được. Nhưng mình không làm cà phê một mình và không phải ai cũng như mình. Cứ từ từ bởi mọi việc đang đúng hướng.
* Tại sao quán lại mang tên là Cà phê Thứ Bảy mà không phải là thứ khác?
- Để trả lời, xin trích một đoạn trong lời mở tôi viết cho cuốn sách giới thiệu quán: “Hệ thống quán cà phê đặc biệt này được đặt tên là Cà phê Thứ Bảy. Bởi thứ Bảy trong tuần là ngày chúng ta dừng lại, dừng lại để sống chậm, để nghỉ ngơi hồi phục, để suy nghĩ, trao đổi và hình thành những ý tưởng, những dự định mới mẻ, thứ Bảy là cơ hội để giao tiếp văn hoá. Cà phê Thứ Bảy - nơi kết nối và nảy sinh sáng tạo”.
* Sáng tác nhạc và làm chủ quán cà phê, anh thích cảm giác nào hơn?
- Con người tôi là bốn trong một: Con người của gia đình (1), con người hoạt động xã hội (2), con người sản xuất âm nhạc (3) và con người sáng tác (4). Cảm giác về mỗi con người này là khác nhau, không thể so sánh. Nhưng trong tôi con người sáng tác là lớn nhất vì ở đó tôi được trọn vẹn là tôi, còn những cái kia tôi là một phần của người khác.
* Cuối cùng, khách quan mà nói, anh thấy cà phê ở Cà phê Thứ Bảy có ngon không?
- Bạn đến uống thử đi, đừng hỏi tôi vì chắc chắn tôi sẽ nói là ngon rồi.
* Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét