Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Đốt lò hương ấy...

Xuân đang về, Tết đang đến thoảng đâu đó quanh ta đã có mùi hương trầm. Thấy mùi hương trầm là thấy Tết, thấy nhẹ lòng lâng lâng. Người già mỉm cười vuốt râu tri ân trời đã cho thêm một tuổi. Thanh niên trẻ, rạo rực sức xuân phấn chấn qua một năm vào đường sự nghiệp.... ..........................................

Từ bao đời, thiên nhiên đã hào phóng ưu đãi cho mảnh đất xứ nhiệt đới Việt Nam bốn mùa hoa trái ngát hương. Vườn xoài cát trĩu quả chắt từ những giọt nắng và gió phương Nam dâng lên đất tổ Hùng Vương để được nhận về từ quê Bắc chĩu chịt gánh vải thiều đỏ au chín mọng. Sản vật quanh năm: thơm, ngon và bổ dưỡng, làm vui ánh mắt tuổi già và đón những tiếng cười giòn tan của bầy trẻ nhỏ. Đó là thảm hoa trái diễm lệ trải dài đất nước. 

Trong âm thầm, đất nước còn sinh nở bao sản vật quý hiếm từ rừng, từ biển… Trong một ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta phải cắn răng triều cống Phong kiến phương Bắc hàng năm biết bao: Ngà voi, sừng tê giác, ngọc trai, đồi mồi và trầm hương… Biết bao con dân đất Việt đã ngã xuống khi đi kiếm tìm sản vật quý. Công phu hơn cả, đó là những cuộc “ngậm ngải tìm trầm” trong những cánh rừng già nguyên sinh. 

Người trong nghề, gọi là đi ĐIỆU. Có những tốp tám chín người, đi hai ba tháng đói khát trở về tay không. Những cây DÓ trong đại ngàn có nhiều, nhưng chỉ rất ít trong đó (do bị thương, nhựa cây thích tụ lại) hóa trầm.

Các đoạn gỗ trầm hương để trong nhà, thoảng mùi thơm dịu nhẹ, có tác dụng dưỡng khí, an thần, giảm stress. Trong thuật Phong Thủy, giữ trầm trong nhà có nhiều may mắn, tài lộc, sinh khí, phòng gió độc.

Trầm hương được sử dụng trong Đông y, Tây y, mỹ phẩm cao cấp và lễ nghi tôn giáo. Thật vui mừng, ngày hôm nay chúng ta có thể tôn vinh các nhà sinh học Việt Nam đã trồng được và cấy vi sinh vào cây Dó - Bầu để tạo trầm (chỉ sau 7 năm đã cho thu hoạch). Nhiều thương gia nước ngoài đã đến Việt Nam để mua dầu trầm (chiết xuất từ cây trầm) và sản phẩm mỹ nghệ từ cây trầm.

Xuân đang về, Tết đang đến thoảng đâu đó quanh ta đã có mùi hương trầm. Thấy mùi hương trầm là thấy Tết, thấy nhẹ lòng lâng lâng. Người già mỉm cười vuốt râu tri ân trời đã cho thêm một tuổi. Thanh niên trẻ, rạo rực sức xuân phấn chấn qua một năm vào đường sự nghiệp. 

Khoảng mười lăm năm trước, ở 40 phố Đồng Xuân - Hà Nội đã có một thầy giáo - sẵn có nghề làm hương gia truyền và đồng vọng với những hoài niệm phong lưu tao nhã trong bối cảnh văn chương ”Vang bóng một thời” của lão nhà văn Nguyễn Tuân mà khôi phục sản phẩm TRẦM ĐỐT ĐỈNH.

Người xưa ”Đốt lò hương ấy, so tỏ phím này” (Truyện Kiều - Nguyễn Du), phải nhóm đốt than hoa, than củi cho đỏ rồi rắc bột trầm lên để được khói trầm. Còn ở vùng Tây Á, Trung Đông họ đổ dầu trầm vào chiếc cốc nhỏ và đun nhỏ lửa như ta sắc thuốc bắc; Trầm sẽ nhẹ bay hương thơm vào không gian. 

Trầm đốt đỉnh của Hà Nội bây giờ được nghiên cứu làm theo cách: Bột Trầm trộn với phụ gia vừa đủ ép vào khuôn hình nón và phơi nắng cho khô. Khi có khách quý đến chơi nhà, đàm đạo văn chương… đốt một viên trầm vào chiếc lư nhỏ. Cùng với câu chuyện, thoảng trong hương trầm, chủ khách thấy ấm cúng sang trọng lạ thường.

Đặc biệt trong ngày Tết, trên bàn thờ gia tiên sau ba nén hương thành kính, ta đốt một viên trầm trong chiếc đỉnh đồng hoặc chiếc lư nhỏ, thấy như hồi tưởng được không gian xưa cũ cùng với ông bà xum họp quây quần bên con cháu.

Có nhiều người còn mặc cảm, trầm hiếm lắm, quý lắm, đắt tiền lắm nên không dám dùng đến mà chỉ…nghe nói. Nay, nhờ công các nhà khoa học, những người đam mê, am hiểu về trầm mà chúng ta đã có những cây trầm “của nhà trồng được” và thưởng thức thoải mái, không đến nỗi giá thành quá cao.

Cảm ơn các nhà sinh học nước nhà, bằng trí tuệ cống hiến, đã cho một tầng lớp nhân dân cũng được tận hưởng cuộc sống cao sang của vua quan ngày xưa, đó là thú chơi trầm hương. Cùng với nhiều thú chơi khác như: Thư pháp, Tranh, Tượng, Đồ cổ, Chim cá cảnh, gỗ lũa… Thú chơi trầm, thưởng thức trầm đốt đỉnh đang ngày càng được nhiều người biết đến. Thử hình dung, trong ngày Tết cổ truyền, ngày lễ hội không có mùi Trầm hương thì Tết sẽ ra thế nào nhỉ?

"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh", bây giờ "tràng pháo" đã được thay bằng trầm đốt đỉnh.

PHAN - HUYỀN - ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét