Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Đoạn phỏng vấn Nhạc sĩ Văn Cao


Cuối năm Dậu, bốn anh em chúng tôi Dương Viết Á, Trần Trọng Hùng, Văn Tâm, Trần Hữu Tá đến thăm nhạc sĩ Văn Cao. Vẫn căn gác nhà số 108 Yết Kiêu ấy, nhưng giờ đây được tu sửa ít nhiều nên sáng sủa, khang trang hơn. Vẫn hai người đáng mến ấy - nghệ sĩ Văn Cao, đã bước vào tuổi 72 (Nguyễn Văn Cao, sinh năm 1923, tại Nam Định, yếu hơn nhưng vẫn tươi cười, hóm hỉnh như xưa; và chị Bằng - người bạn đời chung thủy của anh.
TRẦN HỮU TÁ
thực hiện


TRÒ CHUYỆN:

Hằng năm anh thường có thơ xuân. Vậy năm nay nhà thơ Văn Cao đã có thơ xuân chưa?

Chị Bằng: Có đấy, Anh ấy có bài Mùa Xuân bay đi.



Tại sao tên bài thơ lạ vậy?

Văn Cao: đối với tôi mùa xuân qua đã lâu rồi. Vì vậy tôi mới đặt tên bài thơ như thế. (bằng một giọng hơi yếu, nhưng thiết tha, rành rõ, Văn Cao đọc)
Mùa xuân thả trên bàn tay em
Có lẽ cuộc đời chúng ta còn đi dài như mùa xuân đã đến
Ta đợi nhau như chờ mùa xuân
Hình như chỉ còn kỷ niệm giữa chúng ta
Không còn gì hở anh
Có còn gì ở em
Bất ngờ một con chim bay qua cửa sổ
Tự nhiên ánh sáng bay đi
Em của anh - nói gì được bây giờ
Nói gì được bây giờ
(Một phút trầm lắng - chỉ còn nghe tiếng xôn xao, í ới vẳng lên từ ngôi chợ nhỏ bên cạnh hẻm nhà ông )

Anh có thể cho biết suy nghĩ của anh về nghệ thuật, nghệ thuật thơ ca, nghệ thuật nói chung

Văn Cao: Tôi không dám có tuyên ngôn về nghệ thuật. Tôi lại càng ít nghĩ về những gì nói về nghệ thuật.

Nghệ thuật đến với tôi như ánh sáng vụt tới bàn tay của tôi. Với năm tháng, người nghệ sĩ trằn trọc, vật vã, tích tụ, dự trữ những tri thức cần thiết, những khát vọng sâu kín. Nhưng rồi họ chỉ viết được, vẽ được khi trong một thoáng đón nhận được ánh chớp sáng tạo. Ánh chớp ấy nếu lớn có thể làm nên tác phẩm lớn. Nếu nó nhỏ, sẽ làm ra tác phẩm nhỏ.

Tôi quan niệm, người nghệ sĩ không thể và không cần làm ra tất cả. Họ có lẽ chỉ cần tìm ra cái gì mọi người chưa tìm được. Gắng làm sao để sự tìm tòi ấy giống như hạt giống mới gieo trên luống đất mỡ màu. Nó sẽ nhân lên không biết bao mùa lớn sau này.



Văn Cao trước tiên là người của âm nhạc, sau đó là người của thơ, văn, hội họa. Xin hỏi: trong mấy năm qua có lúc nào tứ nhạc đến với Văn Cao? Và dự định sáng tác âm nhạc có còn sẽ tới với Văn Cao trong tương lai gần?

Văn Cao: Đó là chuyện tâm sự của riêng tôi. Không hẳn do tôi thiếu say mê. Đời tôi có nhiều oan trái, khiến tôi như bị tình phụ. Và người bị tình phụ ấy không muốn trở lại với người mà mình vẫn yêu.

Hiện nay cây đàn piano của tôi đang hỏng, muốn dùng phải chữa mất chừng hai triệu đồng. Tiền tôi có, nhưng tôi không chữa, vì tôi không muốn đặt tay vào cái bàn ấy nữa. Anh Trần Trọng Hùng chắc nhớ, những ngày ở Postdam chúng ta đến thăm nhà của tác giả quốc ca Đức. Ngôi nhà đó trở thành nhà lưu niệm. Người Đức đã hiểu tôi, yêu tôi nên phá lệ, cho tôi nghỉ lại ngôi nhà đó - một vinh hạnh bất ngờ. Chính những đêm ở đấy tôi nghĩ nhiều đến việc mình đoạn tuyệt với âm nhạc.



Anh nói thế nhưng chúng tôi chưa quên: gần đây anh viết nhạc cho một dàn nhạc lớn biểu diễn, làm nhạc nền cho bộ phim dài hơn một tiếng đồng hồ rất thành công. Anh chưa thể bỏ âm nhạc được. Nói như thế này có được không anh: với âm nhạc, có lúc Văn Cao "ly thân" nhưng không "ly dị"

Văn Cao: Không gì làm tôi quên được tình yêu đã có. Đọc các bài thơ tình của tôi, chắc các bạn hiểu, không phải tôi tâm sự, ngợi ca người tình ngồi đây của tôi (Văn Cao chỉ vào chị Bằng, cười dí dỏm). Mà đó là người tình trong lý tưởng của tôi, của chúng ta. Có lúc tôi nghĩ người nghệ sĩ giống như một cỗ máy cái, làm sao mà ngừng hoạt động được, trừ phi nó rệu rã, hỏng hóc. Chỉ có điều tôi không thể hứa ngày mai sự sáng tạo ấy sẽ như thế nào. "Mai sau dù có bao giờ..."

Mấy năm trước, mỗi khi gặp các bạn yêu nhạc Văn Cao tại thành phố phương Nam, các bạn thường xuyên yêu cầu tôi đọc thơ. Tôi đọc mấy câu "thơ mini" này:
Giữa sự sống và cái chết
Tôi chọn sự sống
Để bảo vệ sự sống
Tôi chọn sự chết



Có một việc rất ích, đó là viết hồi ký. Anh đã viết chưa?

Văn Cao: Chưa, chưa viết bao giờ. Đã có một vài anh em viết về tôi. Nguyễn Thụy Kha chẳng hạn. Nhưng tôi chưa bao giờ viết về hành trình nghệ thuật của mình. Con người muốn mất đi hay biết mình sắp chết mới viết hồi ký để lại. Tôi chưa muốn mất đi, tôi chưa viết.



Tại sao Thiên Thai thanh nhã tuyệt vời đến thế? có lúc nào Văn Cao nghĩ đến Freud không?

Văn Cao: Là trí thức, nghệ sĩ, phải đọc nhiều đọc rộng, tất nhiên phải có nghiên cứu Freud. Tôi sẵn sàng trò chuyện suốt buổi với ai muốn nói về Freud. Tôi đọc kỹ Freud. Tôi đọc cả những sách "anti-Freud" (chống Freud). Vũ Trọng Phụng có 8 năm viết ghê ghớm, chính vì Vũ Trọng Phụng đã tâm đắc Freud. Tại sao Thiên Thai đến bây giờ vẫn được ưa thích? Có nhiều lý do. Đúng là nó thanh nhã. Nhưng nên chú ý: có một chút Freud đấy. "Tục mà thanh, thanh mà tục" mà! Và âm thanh đã chuyển tải tất cả. (Văn Cao cười thú vị).

Hoàng Ngọc Hiến có kể, khi sang Tây người ta hỏi anh về Thiên Thai. Theo Hoàng Ngọc Hiến, đó là ý tưởng "lên tiên nhớ trần, về trần nhớ tiên". Nỗi nhớ rất tinh thần và cũng nhuốm mùi vật chất. Đúng thế.



Xin hỏi một câu "đời thường". Những năm qua chị Bằng đối với anh cần vô cùng, đáng quý vô cùng. Xin cho biết một vài kỷ niệm của "thuở ban đầu" anh chị gặp nhau.

Văn Cao: Ôi, "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy", ngàn năm hồ dễ mấy ai quên"! Chúng tôi sắp kỷ niệm 50 năm tròn sống với nhau đấy. Vào ngày 12 tháng giêng Giáp Tuất. Nội bộ gia đình thôi. Các anh rảnh, mời đến chơi.

Còn về những kỷ niệm ư? Lúc nào các anh hỏi chuyện riêng bà Bằng. Tôi xin trả lời bằng thơ "khuôn mặt em". Bà đọc hộ tôi đi! Chị Băng đọc:
Giữa những ngày dằng dặc
Chỉ còn khuôn mặt em
Sáng trong và bình lặng
Dù hai đứa chúng ta
Chưa lúc nào sung sướng
Những ngày đau khổ ấy
Khuôn mặt em
Như mảnh trăng những đêm rừng cháy
Trên đường đi
anh đặt em trên đồng cỏ
Thấy em đẹp mãi màu xanh cỏ dại.
Trên đường đi
anh đặt em trên dốc núi
Để tìm lại những đường mềm của núi
Trên đường đi
khuôn mặt em làm giếng
Để anh tìm dưới đáy ngọc châu
Ôi khuôn mặt em sáng trong và bình lặng
Tôi được đầu tiên
và còn lại cuối cùng.



Chị Băng: "Tôi đề nghị ta kết thúc buổi gặp rất vui bằng bản nhạc giao hưởng của Văn Cao. Tôi mở băng nhé. (Tất cả lặng im, trôi theo sóng nhạc. B3n giao hưởng Văn Cao viết tháng 6/1975, cho cuốn phim thời sự - tư liệu dài. Lại một lần nữa, ông tự khẳng định: Văn Cao - nhạc sĩ của lịch sử)

1 giờ 30. Nắng cuối đông Hà Nội làm tan giá. Chủ khách lưu luyến chia tay.




(Source: Kiến Thức Ngày Nay - Tháng 01 - 1994)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét