Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Mối tình trắc trở của nhạc sĩ Văn Cao

Thu Hà 
"Tôi xin phép được giấu tên người phụ nữ đó vì bà vẫn còn sống. Người đã trở thành nguồn cảm hứng trong ca khúc "Bến xuân" của ông", nhà thơ Văn Thao nói về kỷ niệm của người cha - nhạc sĩ Văn Cao nhân 81 năm ngày sinh của ông hôm qua.

Tác giả của những ca khúc lãng mạn Thiên thai, Suối mơ, Trương Chi... là một người tài hoa. Ông không chỉ là nhạc sĩ mà còn vẽ, làm thơ và có thời kỳ viết truyện ngắn. Truyện Siêu Nước Nóng của ông đăng trên văn đàn hồi đó được nhiều người thích. Nhưng rồi đọc Nam Cao, ông thấy mình viết văn sẽ chẳng bao giờ vượt qua Chí Phèonày, nên đã lặng lẽ rời bỏ nghiệp văn. Rồi ông làm thơ, những bài thơ cũng đầy chất lãng mạn. Văn Cao là thế, luôn biết mình đứng ở đâu và ông lặng lẽ rút lui khi biết cái đó không thuộc về mình. Trong tình yêu, ông cũng vậy, Văn Cao chấp nhận là người thứ ba để chia sẻ với niềm hạnh phúc của bạn bè mình. Và trong những câu chuyện kể cho các con sau này, ông có nhắc đến mối tình với một người phụ nữ họ Hoàng. Người ấy từng có lúc cho ông những xúc cảm chơi vơi, đáng nhớ và mối tình đó gắn liền với kỷ niệm đẹp về hai người bạn của ông. Một người anh rất mực thân thiết là nhạc sĩ Hoàng Quý và người bạn thân là ca sĩ Kim Tiêu.

Văn Cao đến nhà ca sĩ Kim Tiêu chơi, ông gặp cô thiếu nữ họ Hoàng đài các ở đó, khi cô cũng đến để học nhạc. Hai ánh mắt gặp nhau, những rung động thầm kín lan tỏa, cả hai người như bị sét đánh. Hai tâm hồn đều "Tình trong như đã, mặt ngoài còn e", và khi cô thiếu nữ biết chàng là tác giả của những ca khúc lãng mạn nổi tiếng thời ấy thì niềm cảm kích ngưỡng mộ càng tăng lên. Cả hai không ai nói ra nhưng đều dành cho nhau sự mến thương. Nhưng điều éo le nhất là cô gái cũng chính là "người trong mộng" của Hoàng Quý và Kim Tiêu. Nhạc sĩ Văn Cao là người gần gũi nhất lắng nghe hết những tâm sự của họ. Một bóng hồng đó đã làm cả ba mất ngủ.

Lần duy nhất, người phụ nữ đến thăm nhạc sĩ khi ông còn ở Bến Ngự, Hải Phòng mà mãi sau này ông vẫn nhớ như in. Hôm đó, trời nóng, Văn Cao cởi trần, nằm bò ra sáng tác. Ấy cũng là lần duy nhất, cô gái ghé thăm ông tại gia. Trong chái nhà chật chội, cô ngồi quạt cho ông, và chàng nhạc sĩ Văn Cao đã thổ lộ với cô: "Ước gì anh có em để hằng ngày em quạt cho anh sáng tác, em vá quần thủng cho anh, làm mẫu cho anh vẽ". Câu tỏ tình duy nhất Văn Cao dành cho cô nhưng ông cũng hiểu cô gái ấy sẽ không thuộc về mình. Sau lần đó, Văn Cao có đề nghị cô gái làm người mẫu để ông vẽ chân dung vàBến Xuân cũng ra đời từ đó. "Em đến bên tôi, bến nước tiêu điều/in bóng dáng yêu..." là những tâm sự rất thật của nhạc sĩ về người con gái đã làm xao động tâm hồn ông.

Mối tình với cô gái họ Hoàng không đi đến đâu vì ông luôn nghĩ đến tình cảm sâu nặng của Hoàng Quý và Kim Tiêu dành cho cô. Đã không giúp được bạn thì không nên là kẻ chen ngang nên ông cũng không tiến tới một cái gì sâu sắc hơn. Thời gian sau, ca sĩ Kim Tiêu cùng gia đình đến ăn hỏi thiếu nữ họ Hoàng nhưng nhà gái thách cưới quá cao nên ông không thực hiện được ước nguyện. Kim Tiêu ấp ủ nỗi buồn chán vì phận nghèo nên đã cạo trọc đầu đi lang thang vào Huế. Sau này, ca sĩ Kim Tiêu đã mang nỗi niềm ấy để dạy ca sĩ Phạm Duy hát Buồn Tàn Thu.


Chuyện với Kim Tiêu không thành, thời gian sau cô tiểu thư đài các đã lên xe hoa cùng nhạc sĩ Hoàng Quý. Văn Cao chia sẻ niềm vui cùng hai người nhưng trong lòng ngọn lửa tình chưa tắt. Cũng chỉ được ít lâu, Hoàng Quý bị bệnh phổi và mất. Mối tình tay ba tan vỡ từ đó.


Người con gái họ Hoàng chỉ là một trong số những bóng hồng đã đi qua cuộc đời nhạc sĩ. Nhưng nhờ có tình yêu trắc trở đó, mà Bến Xuân đã ra đời làm nao lòng nhiều thế hệ người yêu nhạc. Và sau này ông cũng tìm cho mình một bến đậu bình yên bên người phụ nữ mến thương, người bạn đời Nghiêm Thúy Băng. Một tiểu thư đài các trong gia đình đại tư sản nhưng đã đến và cùng ông đi đến cuối cuộc đời.


Thu Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét